GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT KHIẾU NẠI
1. Về phạm vi điều chỉnh:
Luật khiếu nại tiếp tục quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại (GQKN) đối với quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN), của người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN; khiếu nại và GQKN quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác GQKN. Như vậy, so với Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành thì Luật khiếu nại đã có sự quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh.
Ngoài ra, Luật khiếu nại còn quy định về áp dụng pháp luật về khiếu nại và GQKN, cụ thể như sau:
“1. Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc GQKN được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Khiếu nại và GQKN đối với QĐHC, HVHC trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
3. Căn cứ vào Luật này, cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hướng dẫn việc khiếu nại và GQKN trong cơ quan, tổ chức mình.
4. Căn cứ vào Luật này, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan khác của Nhà nước quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình.
5. Trường hợp luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó.”
2. Một số khái niệm:
“Quyết định hành chính” là văn bản do cơ quan HCNN hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý HCNN được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
“Hành vi hành chính” là hành vi của cơ quan HCNN, của người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
“Khiếu nại” là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại QĐHC, HVHC khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
“Người khiếu nại” có thể là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Cơ quan, tổ chức nói ở đây có thể là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.
“Người bị khiếu nại” là cơ quan HCNN hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN có QĐHC, HVHC bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
“Quyết định kỷ luật” là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm
Luật khiếu nại quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại và GQKN, gồm:
- Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
- Thiếu trách nhiệm trong việc GQKN; không GQKN; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý GQKN trái pháp luật.
- Ra quyết định GQKN không bằng hình thức quyết định.
- Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc GQKN.
- Cố tình khiếu nại sai sự thật;
- Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
- Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm GQKN, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
- Vi phạm quy chế tiếp công dân;
- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và GQKN.
4. Các trường hợp khiếu nại sau đây không được thụ lý giải quyết:
- QĐHC, HVHC trong nội bộ CQNN để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; QĐHC, HVHC trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới; QĐHC có chứa đựng quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; QĐHC, HVHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ qui định;
- QĐHC, HVHC không liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Người khiếu nại không có năng lực hành vị dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
- Khiếu nại đã có quyết định GQKN lần 2;
- Có văn bản thông báo đình chỉ khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
5. Trình tự, hình thức, thời hiệu và thời hạn GQKN:
- Về trình tự: khi có căn cứ cho rằng QĐHC, HVHC là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có QĐHC, HVHC hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Ngoài ra, việc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án vẫn có thể thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình GQKN.
- Về hình thức: Người khiếu nại có thể thực hiện việc khiếu nại bằng 2 cách: gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
- Về thời hiệu: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được QĐHC hoặc biết được QĐHC, HVHC. Trường hợp ốm đau, thiên tai, đi công tác xa… hoặc vì những lý do trở ngại khách quan khác không thực hiện được quyền khiếu nại thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
- Thời hạn giải quyết: Luật khiếu nại đã rút ngắn thời gian GQKN lần đầu và lần thứ hai so với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo trước đây. Cụ thể là:
+ Thời hạn GQKN lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn GQKN không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày.
+ Thời hạn GQKN lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn GQKN không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.
6. Về khiếu nại quyết định kỷ luật (QĐKL) cán bộ, công chức:
- Khiếu nại QĐKL cán bộ, công chức (CBCC) là một loại khiếu nại và GQKN đặc thù liên quan trực tiếp đến quyền lợi của CBCC nên Luật khiếu nại dành một chương riêng quy định về vấn đề này (chương IV).
Theo đó, khi có căn cứ cho rằng việc QĐKL mình là trái pháp luật, CBCC có quyền đề nghị người đã ra quyết định xem xét lại quyết định đó. Trường hợp CBCC không đồng ý với quyết định GQKN lần đầu thì có thể tiếp tục khiếu nại lần 2 đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người ra quyết định kỷ luật. Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nếu không đồng ý với quyết định GQKN lần 1 và lần 2, thì người khiếu nại còn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày CBCC nhận được quyết định kỷ luật; khiếu nại lần hai là 10, kể từ ngày nhận được quyết định GQKN lần đầu. Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày CBCC nhận được quyết định GQKN lần đầu.
* Hiệu lực của quyết định GQKN quyết định kỷ luật CBCC và việc khởi kiện vụ án hành chính:
Quyết định GQKN quyết định kỷ luật CBCC có hiệu lực pháp luật gồm 2 loại: 1) Quyết định GQKN lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành nếu người khiếu nại không khiếu nại lần hai; 2) Quyết định GQKN lần 2 có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành. Các quyết định GQKN có hiệu lực thi hành ngay tại thời điểm có hiệu lực pháp luật.
Công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mà không đồng ý với quyết định GQKN hoặc hết thời gian GQKN lần đầu, lần hai mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Ngoài ra, Luật khiếu nại còn có quy định về việc khiếu nại nhiều người; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý; thẩm quyền GQKN; trình tự, thủ tục GQKN; thi hành quyết định GQKN có hiệu lực pháp luật; về quyền khởi kiện vụ án hành chính; việc tổ chức tiếp công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác GQKN; xử lý vi phạm trong việc GQKN./.
Quỳnh Ly
Nguồn: http://www.sotuphapqnam.gov.vn
- Phân biệt nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo?
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
- GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
- LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018
- Phạm tội trong trạng thái sử dụng chất kích thích bị xử lý thế nào?
- PHÂN BIỆT CÁC LOẠI KHÔNG ĐỦ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
- SO SÁNH BỊ HẠI VÀ NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
- PHÂN TÍCH TỘI GIẾT NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ
- Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021)
- Lạm dụng rượu – Kẻ thù của an toàn giao thông