GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Khái quát về hoạt động điều tra tội phạm
Tố tụng hình sự bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử.
Điều tra tội phạm bao gồm các hoạt động nhằm khám phá, phát hiện tội phạm và người phạm tội cũng như làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, cụ thể là:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
- Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của họ;
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Giai đoạn điều tra có tính chất phức tạp và có ý nghĩa chi phối cả tiến trình tố tụng. Trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ. Chứng cứ được xác định từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: vật chứng; lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra và các tài liệu, đồ vật khác.
Do chứng cứ được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nên cách thức để thu thập chứng cứ cũng không giống nhau. Mỗi hoạt động điều tra có vai trò riêng trong việc thu thập chứng cứ. Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 (TTHS), các nguồn chứng cứ trên được thu thập thông qua các hoạt động điều tra như: khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; xem xét dấu vết trên thân thể; khám xét, hỏi cung bị can; lấy lời khai người bị hại,...; nhận dạng; thực nghiệm điều tra; đối chất. Việc không tiến hành một hoạt động điều tra nào đó có thể làm sai lệch kết quả xác định sự thật khách quan, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội.
Để phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có thể sử dụng những biện pháp khác nhau nhằm thu thập chứng cứ. Một trong những biện pháp đó là trưng câu giám định tư pháp. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì trong một số trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định tư pháp. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu điều tra.
2. Vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp đối với hoạt động điều tra tội phạm
Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp. Thông qua việc đánh giá, kết luận về phương diện chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án, hoạt động giám định tư pháp có vai trò quan trọng đối với hoạt động tố tụng, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Bản kết luận giám định là nguồn chứng cứ trong việc giải quyết vụ án. Hiện nay, kinh tế - xã hội phát triển, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều tranh chấp trong các quan hệ giao dịch, hành vi phạm tội tinh vi, xuất hiện những thủ đoạn mới che dấu tội phạm cũng như gây khó khăn cho công tác điều tra, nên có cơ sở dự báo về yêu cầu giám định tư pháp nói chung, việc trưng cầu giám định trong hoạt động điều tra nói riêng sẽ gia tăng.
Trưng cầu giám định là việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định để yêu cầu người có kiến thức về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (được thể hiện thông qua Quyết định trưng cầu giám định).
Trên thực tế, tùy thuộc yêu cầu điều tra vụ án mà cơ quan điều tra có thể quyết định trưng cầu giám định (lần đầu); quyết định trưng cầu giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, đầy đủ hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó; quyết định trưng cầu giám định lại và quyết định trưng cầu giám định lại lần 2 được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp cơ quan điều tra trưng cầu tổ chức giám định thực hiện giám định.
2.1. Những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Điều 206 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.
2.2. Một số trường hợp cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định
Cơ quan điều tra xem xét, quyết định trưng cầu giám định (trường hợp xét thấy cần thiết), khi cần làm rõ:
- Công cụ, phương tiện gây ra những dấu vết, thương tích trên thân thể người; dấu vết vân tay, dấu vết chân, giày dép,...tại hiện trường.
- Ai là người viết, ký; hình dấu thật hay giả, phương tiện in ấn, đánh máy tài liệu có liên quan đến vụ án.
- Hàng hóa thu được trong quá trình điều tra vụ án là thật hay giả.
- Dấu vết sinh vật thu được tại hiện trường hoặc trên thân thể người bị hại.
- Để định giá tài sản.
- Nguyên nhân gây cháy nổ.
- Dấu vết súng đạn.
- Những trường hợp xét thất cần thiết khác do cơ quan điều tra quyết định.
Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định. Kết luận giám định là văn bản có giá trị pháp lý. Nội dung kết luận giám định được quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật giám định tư pháp, theo đó, cá nhân, tổ chức được trưng cầu đưa ra kết luận về đối tượng giám định, có hai loại kết luận giám định sau:
- Kết luận khẳng định: là kết luận dứt khoát, đúng hay không đúng, đồng nhất hay không đồng nhất về vấn đề cần giám định, kết luận này có giá trị chứng minh; được công nhận như một nguồn chứng cứ.
- Kết luận khả năng: là kết luận mà trong một số trường hợp người giám định không có khả năng đưa ra kết luận dứt khoát đối với vấn đề cần giám định mà chỉ đưa ra được kết luận có xu hướng dự báo xác định một người, một vật hoặc một sự việc nào đó. Thông thường, những kết luận mang tính khả năng được đưa ra trong trường hợp các dấu vết, tài liệu, mẫu giám định gửi giám định không rõ nét; những biện pháp nghiên cứu, giám định đã lỗi thời, số lượng mẫu vật, số lượng mẫu vật, tài liệu gửi đến để giám định thiếu, không đảm bảo chất lượng...do đó, người giám định không thể đưa ra được kết luận khẳng định mà chỉ đưa ra được kết luận mang tính khả năng. Kết luận giám định mang tính khả năng không có ý nghĩa như một nguồn chứng cứ vì chỉ chứa đựng những thông tin mang tính dự báo về đối tượng giám định. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào đó để đưa ra những giả thuyết điều tra về đối tượng, công cụ, phương tiện, diễn biến của hành vi phạm tội, phục vụ quá trình điều tra.
Tuy nhiên, thực tế cũng có các trường hợp không kết luận được theo nội dung trưng cầu giám định do nhiều lý do khác nhau như: các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật mà cơ quan điều tra cung cấp không đủ cơ sở để kết luận; giám đinh viên không có phương tiện, kinh phí...để giám định, giám định viên khó khăn đưa ra kết luận trong một số lĩnh vực, nhất là đối với các vụ cần giám định dữ liệu điện tử, hoặc không thể kết luận được, như giám định giá trị của hàng cấm.
Trên cơ sở kết luận giám định, cơ quan điều tra nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá chứng cứ làm rõ những vấn đề phải chứng minh theo quy định của pháp luật. Mặt khác, những thông tin từ kết luận giám định như: thông tin về thủ phạm; thông tin về những người liên quan; thông tin loại trừ đối tượng nghi vấn và những thông tin về diễn biến tội phạm...giúp cơ quan điều tra đề ra kế hoạch điều tra tiếp theo phù hợp, đúng hướng.
2.3. Thời hạn giám định
Điều 208 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:
a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;
b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;
c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.
2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.
3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.
2.3. Kết luận giám định trong tố tụng hình sự
Điều 213 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định kết luận giám định:
1. Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết.
Trong công tác điều tra tội phạm, kết luận giám định không những có ý nghĩa to lớn đối với nghiệp vụ công tác điều tra tội phạm mà còn có giá trị góp phần chứng minh tội phạm, người phạm tội, như:
- Thứ nhất, kết luận giám định giúp cho cơ quan điều tra có cơ sở xác định được thủ phạm gây án, công cụ phương tiện phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm... là cơ sở để áp dụng các biện pháp điều tra sát hợp, có hiệu quả.
- Thứ hai, kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định hậu quả do phạm tội gây ra trên các phương diện như: thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; nguyên nhân gây ra hậu quả...
- Thứ ba, thông qua kết luận giám định, cơ quan điều tra xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; xác định về khả năng nhận thức và khai báo của người làm chứng, người bị hại, qua đó, xác định bị can, bị cáo có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không; xem xét, đánh giá tính khách quan, tính hợp pháp lời khai của người làm chứng, người bị hại.
- Thứ tư, kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm rõ những vấn đề cần chứng mình trong vụ án, mặt khác, qua đó kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả.
- Thứ năm, trong một số trường hợp, kết luận giám định có giá trị để cơ quan điều tra xác định ngay được có tội phạm xảy ra hay không, ai là người phạm tội, hành vi đó phạm tội gì trong Bộ luật hình sự hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Qua công tác tuần tra, kiểm tra hành chính của Cảnh sát, phát hiện thu giữ 1 khẩu súng của Nguyễn Văn A để trong cốp xe máy không có giấy phép sử dụng. Qua trưng cầu giám định, kết luận khẩu súng đó là vũ khí quân dụng, do đó, hành vi tàng trữ khẩu súng đó của Nguyễn Văn A phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Điều 214 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định:
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.
3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.
4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Vai trò, địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người giám định trong tố tụng hình sự
Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định theo vụ việc. Người giám định được cơ quan tiến hành tố tung trưng cầu giám định là “người tham gia tố tụng” theo quy định của Bộ luật TTHS.
Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 11, khoản 1, khoản 2 Điều 23 và khoản 1 Điều 34 Luật giám định tư pháp thì người giám định có quyền và nghĩa vụ khác quy định tại Điều 68 Bộ Luật TTHS năm 2015, theo đó:
1. Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
2. Người giám định có quyền:
a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;
b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;
c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;
d) Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;
đ) Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành;
e) Các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
3. Người giám định có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
4. Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 382 và 383 Bộ Luật Hình sự 2017 (Luật số 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017, có hiệu lực từ 01/01/2018).
Ngoài ra, nếu người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người giám định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng chịu chịu trách nhiệm hình sự (Điều 384 Bộ Luật Hình sự).
5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án.
6. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định.
Trong trường hợp trưng cầu người giám định tư pháp thì người giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động giám định tư pháp, đó là nguyên tắc chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người giám định tư pháp phải thực hiện đúng nội dung trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Trong trường hợp giám định do một nhóm người tiến hành, nếu người giám định không đồng ý với kết luận của những người khác thì có quyền ghi riêng ý kiến kết luận của mình và chịu trách nhiệm về kết luận đó. Xuất phát từ nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân nên khi thực hiện giám định, người giám định không phải chịu chi phối từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân là cấp trên của mình. Vì vậy, có thể nói hoạt động giám định tư pháp không mang tính quyền lực nhà nước.
Trong trường hợp tổ chức thực hiện giám định thì tổ chức được trưng câu chịu trách nhiệm về kết luận giám định.
3.3. Các vấn đề cần làm rõ về khả năng tiến hành giám định
Sau khi đã xác định được những vấn đề cần trưng cầu giám định, cơ quan điều tra, điều tra viên xác định, làm rõ khả năng tiến hành giám định gồm:
- Những vấn đề phải giám định.
- Các lĩnh vực giám định sẽ tiến hành trưng cầu; khả năng giải quyết được vấn đề mà hoạt động điều tra đặt ra yêu cầu hay không?
- Cơ quan giám định hay người giám định có khả năng giám định hay không?
- Các tài liệu, mẫu vật thu được có đảm bảo yêu cầu để giám định hay không? (số lượng, phương pháp thu thập, điều kiện bảo quản dấu vết, đồ vật, tài liệu,...).
Trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định để làm sáng tỏ, chi tiết, cụ thể tình tiết của vụ án.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định tư pháp trong giai đoạn điều tra
Trong Công an nhân dân, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định được ban hành khi cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc sau khi có Quyết định khởi tố vụ án hình sự. Người trưng cầu giám định tư pháp có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 21 Luật giám định tư pháp.
Cơ quan điều tra gửi quyết định trưng cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại. Trường hợp trưng cầu giám định lại lần thứ hai thì cơ quan điều tra có công văn gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định lại lần thứ hai, các kết luận giám định, giám định lại và tài liệu khác có liên quan.
Bản kết luận giám định là một văn bản tố tụng trong đó nhận xét, đánh giá về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định. Nội dung kết luận giám định quy định tại Điều 32 Luật giám định tư pháp. Người giám định, tổ chức giám định có thể gửi kèm theo bản kết luận giám định những tấm ảnh, sơ đồ, hình mẫu, bản mẫu, hình vẽ,... để dẫn chứng, minh họa cho kết luận giám định.
Trường hợp trưng cầu cá nhân thực hiện giám định thì chữ ký của người thực hiện giám định trong bản kết luận giám định phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực; nếu trưng cầu tổ chức giám định thực hiện giám định thì người quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định. Bản kết luận giám định gửi đến cơ quan trưng cầu theo thời hạn ghi trong Quyết định trưng cầu giám định.
ThS.BS. Tôn Thất Hưng
(Tổng hợp)
- GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
- LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ
- CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH KHI TRƯNG CẦU, YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
- Phân biệt nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo?
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
- LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018
- Phạm tội trong trạng thái sử dụng chất kích thích bị xử lý thế nào?
- GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT KHIẾU NẠI
- PHÂN BIỆT CÁC LOẠI KHÔNG ĐỦ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
- SO SÁNH BỊ HẠI VÀ NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015