hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Stress và Rối loạn Stress sau sang chấn (Post traumatic stress disorder, PTSD)

Rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD) là một phản ứng muộn và dai dẳng xảy ra ở những người đã bị một stress cực mạnh về cơ thể hoặc tình cảm. Các sang chấn này thường là những trận chiến tranh ác liệt, thiên tai, tai nạn, chaý nhà, bị tra tấn, khủng bố, cưỡng dâm.
ThS.BS. Tôn Thất Hưng
STRESS
 
Stress là một thuật ngữ tiếng Anh được dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Ðến thế kỷ thứ 17, stress được dùng với nghĩa là một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người, gây ra phản ứng căng thẳng. Hiện nay, stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi.
 
Tuy nhiên, nhiều tác giả sử dụng với những sắc thái khác nhau. Theo Hans Selye: "Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng". Theo J. Delay: "Stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể, buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với một tình huống đang đe dọa".
 
1. Khái nhiệm chung về stress cho cả hai ý nghĩa bao gồm:
 
1.1. Tình huống stress: dùng để chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra stress (stresseur).
 
1.2. Ðáp ứng stress: dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress (reaction).
 
Stress bình thường là một tình huống stress nhẹ, đối tượng chịu đựng được và phản ứng thích nghi tốt. Ðối tượng thu xếp được cân bằng mới một cách thỏa đáng.
 
Stress trở nên bệnh lý khi tình huống stress xuất hiện bất ngờ và quá mạnh hoặc không mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, vượt khả năng chịu đựng của đối tượng, gây ra các rối loạn cơ thể, tâm thần và ứng xử gọi là các rối loạn có liên quan đến stress.
 
2. Cơ chế gây bệnh của stress
 
Hàng ngày hàng giờ, mỗi cá nhân trong xã hội phải chịu tác động của nhiều loại stress. Ví dụ: điều kiện sống khó khăn, làm việc quá tải và căng thẳng, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng, con cái, mâu thuẫn với hàng xóm, với đồng nghiệp...
 
Tuy nhiên, stress có gây bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố phức tạp. Có hai nhân tố chính đó là: đặc điểm gây bệnh của stress và sức chống đỡ của nhân cách.
 
2.1. Ðặc điểm gây bệnh của stress
  • Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (người thân chết đột ngột, tổn thất về kinh tế nặng nề). Có những stress tuy không mạnh và cấp diễn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, gây căng thẳng nội tâm cũng có khả năng gây bệnh.
  • Thành phần gây bệnh của stress là ý nghĩa thông tin chứ không phải là cường độ của stress (ý nghĩa gây bệnh của đám cháy không phải là cường độ ngọn lửa mà là giá trị của tài sản bị thiêu hủy và hậu quả cụ thể đối với mỗi cá nhân).
  • Những stress gây xung đột nội tâm làm cho cá nhân không tìm được lối thoát cũng thường gây bệnh (một đôi vợ chồng mâu thuẫn gay gắt và kéo dài nhưng không thể ly dị được vì đang còn lo nghĩ về những đứa con).
  • Stress đập vào một cá nhân thường gây bệnh nhiều hơn stress đập vào một cộng đồng (cơ chế chia sẻ gánh nặng, nỗi buồn).
2.2. Sức chống đỡ của nhân cách:
 
Nếu đối tượng nhận thức tình huống stress không nguy hiểm và có thể chống đỡ được thì sẽ có một phản ứng thích hợp bình thường. Ngược lại, nếu đối tượng nhận thức tình huống là nguy hiểm và không thể chống đỡ được thì sẽ xuất hiện một phản ứng bệnh lý.
 
Cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
 
Cùng một stress, tùy theo phương thức phản ứng của đối tượng mà có thể biểu hiện bệnh lý khác nhau: lo âu, trầm cảm, khó thở, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp...
 
Những nét nhân cách sau đây dễ bị tổn thương: dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, bi đát hóa các tình huống stress; đánh giá cao các khó khăn và đánh giá thấp bản thân.
 
Những nét nhân cách sau đây có sức chống đỡ với stress: sớm làm chủ được tình huống stress, có ý chí và tinh thần trách nhiệm, có khả năng thích nghi, mềm dẻo.
 
Môi trường và nhân cách tác động qua lại cảm ứng lẫn nhau rất mật thiết, khi cảm ứng những nét tiêu cực có thể gây ra trạng thái bệnh lý tập thể, khi cảm ứng những nét tích cực thì mỗi nhân cách trong tập thể lại được tăng thêm sức mạnh để chống đỡ stress.
 
Cơ thể khỏe mạnh hỗ trợ tốt cho nhân cách chống đỡ với stress.
 
RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN
 
1. Khái niệm:
 
Rối loạn Stress sau sang chấn là một phản ứng muộn và dai dẳng xảy ra ở những người đã bị một stress cực mạnh về cơ thể hoặc tình cảm. Các sang chấn này thường là những trận chiến tranh ác liệt, thiên tai, tai nạn, chaý nhà, bị tra tấn, khủng bố, cưỡng dâm.
 
2. Dịch tễ lâm sàng:
 
Một công trình nghiên cứu của Lâm Xuân Điền tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỉ lệ rối loạn stress sau sang chấn trong nhóm cộng đồng dân cư đã từng sống tại những vùng xảy ra chiến tranh trước năm 1975 hiện đang ở TPHCM là 6%. Gần 60% số ca xuất hiện các triệu chứng PTSD trong vòng một tháng sau khi bị sang chấn. Dạng khởi phát muộn (sau 6 tháng) chiếm 27%. 100% trường hợp đều có triệu chứng kéo dài trên 3 tháng (mãn tính) đặc biệt đối với nhóm bị tra tấn, khủng bố, bắt giam... Có đến 60% trường hợp triệu chứng tồn tại trong vòng 40 năm. Trên 80% thường xuyên nhớ lại các sang chấn ngoài ý muốn; có giấc mơ xấu về sang chấn; căng thẳng mãnh liệt khi gặp các dấu hiệu gợi ý sang chấn. Hơn 93% bị toát mồ hôi, tim đập nhanh, run rẩy khi gặp các dấu hiệu sang chấn.
 
3. Triệu chứng:
 
PTSD xảy ra khi con người trải qua một biến cố hãi hùng có gắn liền với những đe dọa đến tính mạng. Rối loạn này cũng có thể xảy ra khi người ta chứng kiến (gián tiếp) một cảnh hãi hùng.
 
Hội chứng này được biết đến vào thế chiến thứ I qua tên “shell shock”. Những người lính ra trận thấy chết chóc, thân thể các chiến binh bị thương, tay chân bị cắt đứt, máu me lai láng, cảnh tượng rất hãi hùng. Họ có cái may được sống sót nhưng tâm hồn trở nên lơ lững, từ đó mà bệnh có tên “shell shock” (cú sốc do đạn trái phá).
 
Hội chứng này được ngành Tâm thần  hiện đại chia làm 3 nhóm triệu chứng tâm lý chính là: cảm nhận lại (reexperience), tránh né (avoidance) và tăng nhậy cảm quá độ (hyperarousal). Sự hiện diện của 3 nhóm triệu chứng này sau một biến cố là kim chỉ nam của PTSD.
  • Cảm nhận lại: ám ảnh (flashback), nhiều giấc mơ hãi hùng nhắc lại biến cố trải qua, suy nghĩ thật nhiều ngày đêm về biến cố, có cảm giác như biến cố đó lập lại ngay trong hiện tại, suy tầm tài liệu liên quan đến biến cố, phản ứng sinh lý và tâm lý y như lúc biến cố đang xảy ra khi gặp vài nguyên nhân nhắc đến biến cố. Triệu chứng nặng là ảo thanh, ảo thị.
  • Tránh né: cố gắng không suy nghĩ hay đề cập những vấn đề liên quan đến biến cố, tránh xa những nơi có người và cảnh vật nhắc lại biến cố, cảm thấy tình cảm xơ cứng, không hồn nhiên như trước nữa. Còn có nhiều dấu hiệu của của trầm cảm (không giao thiệp bạn bè, chán nản, mất thích thú trong cuộc sống, mất ăn, mất ngủ, bực bội với người thân trong gia đình, không muốn gần gũi ai).
  • Tăng nhạy cảm: mất ngủ hay ngủ không yên giấc vì ác mộng làm thức giấc giữa đêm, hay giật mình với tiếng động nhỏ, lúc nào cũng có cảm giác đề phòng, hay giận dữ đối với những chuyện không đáng giận, tình cảm khó kiềm chế, hay gây gổ.  Khi triệu chứng nặng, trí nhớ suy sụp, giảm tập trung. Vì hệ thống thần kinh quá nhậy nên những bệnh nhân này hay có những triệu chứng đau nhức thường xuyên. Nhiều bệnh nhân có “cái đau du kích” hôm nay hiện nơi này, ngày mai hiện nơi kia nhưng xét nghiệm đều không có kết quả đặc hiệu.
4. Đối tượng dễ mắc PTSD:
 
Theo WHO, trong trường hợp có thảm họa, có 6 loại nạn nhân chịu tác động của thảm hoạ, dễ bị mắc  PTSD:
  • Nạn nhân loại I  : Người trực tiếp bị nạn.
  • Nạn nhân loại II : Người thân của nạn nhân.
  • Nạn nhân loại III: Người đến cứu hộ, cứu nạn.
  • Nạn nhân loại IV: Các thành viên trong cộng đồng.
  • Nạn nhân loại V : Người bị rối loạn khi nghĩ đến thảm hoạ.
  • Nạn nhân loại VI: Người tình cờ liên quan đến thảm hoạ.
5. Sinh hóa PTSD
 
Khi bị căng thẳng ngắn hạn, cơ thể ta tiết ra chất Norepinephrine (NE). Chất này gây hưng phấn nhiều hệ thống trong cơ thể: huyết áp tăng, tim đập nhanh, tăng nhịp thở, co mạch máu nhỏ  lại tạo cảm giác lạnh tay chân hay cảm giác tê. Khi không đủ máu tới các bắp thịt thời gian lâu sẽ bị đau nhức hay có cảm giác mỏi. Ở hệ thống tiêu hóa, làm cho ta biếng ăn. Hệ thống thần kinh bị kích thích nhiều gây mất ngủ. Những thay đổi trên giúp ta chiến đấu với hoàn cảnh nguy hiểm.
 
Khi NE bài tiết nhiều thì nó có thể làm giảm lượng Serotonin (5HT). Serotonin là một chất tiết ra trong não bộ làm cho cường độ những phản ứng tình cảm bớt lại. Khi thiếu 5HT thì những tình cảm như giận, lo âu sẽ diễn ra rất mạnh và rất khó kiềm chế.
 
Khi căng thẳng quá độ lâu ngày, hệ thống kích thích tố  sẽ bị thay đổi. Lượng cortisol sẽ tăng lên trong máu. Cortisol có công dụng làm giảm viêm. Tuy nhiên, nếu cortisol tiết ra nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, có thể làm tổn thương các tế bào não bộ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, nhóm tế bào ở vùng dưới đồi  bị thoái hóa và khi chụp MRI thấy bị nhỏ hơn bình thường. Nhóm tế bào này ảnh hưởng trí nhớ. Nhóm tế bào này cũng bị thoái hóa ở chứng bệnh Alzheimer. Vùng dưới đồi giúp trí nhớ ngắn hạn (short term memory). Vùng dưới đồi bị tổn thương gây ra hiện tượng mau quên.
 
Cortisol còn ảnh hưởng đến những triệu chứng tâm thần. Những bệnh nhân xơ gan điều trị bằng cortisol hay bị trầm cảm, trong trường hợp nặng, bị loạn thần, như có ảo thanh  hoặc ảo thị . Những hiện tượng tâm thần do cortisol mất điều hòa có nhiều trùng hợp với những triệu chứng của PTSD.
 
6. Chẩn đoán:
 
Theo ICD 10, chẩn đoán PTSD (F43.1) thường chỉ đặt ra nếu rối loạn xuất hiện trong vòng 6 tháng sau một sang chấn rất mạnh.
 
Tuy nhiên, nếu khoảng thời gian này dài hơn 6 tháng thì một chẩn đoán tạm thời vẫn có thể được đặt ra, nếu các biểu hiện lâm sàng là điển hình và không do một rối loạn khác như  lo âu, rối lọan ám ảnh cưỡng chế hoặc trầm cảm gây ra.
 
Ngoài tiền sử về chấn thương, phải có hồi ức bắt buộc lập lại, hoặc sự tái hiện tình huống chấn thương trong ký ức, trong mơ mộng ban ngày hoặc trong giấc mơ. Cảm xúc thờ ơ rõ rệt, tê liệt tình cảm và tránh né các kích thích có thể gợi nhớ lại chấn thương là thường gặp nhưng không phải là thiết yếu cho chẩn đoán. Các rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn khí sắc và các bất thường về hành vi, tất cả đều góp phần vào chẩn đoán nhưng không phải là quan trọng hàng đầu.
 
Riêng các di chứng mãn tính của các stress rất nặng như các di chứng biểu hiện nhiều chục năm sau sang chấn, được xếp vào “ Biến đổi nhân cách kéo dài sau chấn thương thê thảm ” (F60.2).
 
7. Điều trị:
 
PTSD có ảnh hưởng từ sinh lý não bộ, đến tâm lý và cuộc sống gia đình, xã hội. Muốn điều trị bệnh hữu hiệu, ta phải áp dụng nhiều hơn một phương pháp trị liệu, gồm hóa dược, liệu pháp tâm lý.
 
7.1. Hóa dược
 
Về thuốc, có nhóm SSRI (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor) được cơ quan dược phẩm công nhận để điều trị bệnh này. Thuốc này dùng để tăng lượng Serotonin (5HT). Khi 5HT tăng thì cường độ các triệu chứng tâm thần được giảm bớt. Tuy nhiên, nếu bệnh hiện diện lâu ngày, ảnh hưởng qua hệ thống cortisol thì điều trị kém hiệu quả. Khi cần phải dùng nhiều loại thuốc phối hợp mới có kết quả.
 
 
 
7.2. Liệu pháp tâm lý
 
Liệu pháp tâm lý đang phổ biến hiện nay là liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy (CBT) như liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý (Rational Emotive Behavior Therapy, REBT): bệnh nhân tập nhận ra những tư tưởng bi quan và tập suy nghĩ sao cho thích hợp hơn với hoàn cảnh.  Khi có những xung đột gia đình thì cần phải có liệu pháp tâm lý gia đình để hàn gắn lại những mâu thuẫn vợ chồng, con cái. Liệu pháp gia đình giúp những thành viên trong gia đình thông cảm lẫn nhau và đối thoại một cách hiệu quả. Ngoài ra, có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý khác như : thư giãn, nâng đỡ, âm nhạc.
 
 (Tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước)
Trích nguồn: http://bvtthan.thuathienhue.gov.vn/
Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Những biểu hiện và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em

Lượt truy cập: 1356841
 
Đang trực tuyến: 103