Say rượu bệnh lý
I. KHÁI NIỆM
Say rượu bệnh lý trạng thái ngộ độc rượu cấp, hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người uống lượng rượu không lớn nhưng quá mức chịu đựng của cơ thể.
Say rượu bệnh lý cần phân biệt với say rượu thông thường về đặc điểm biểu hiện bệnh lý loạn thần cấp diễn, với nhiều rối loạn tâm thần nặng vì vậy say rượu bệnh lý có nhiều tên gọi khác nhau: Zatulovski M.I gọi là “say rượu loạn thần” còn E.Kraepelin gọi là “say rượu biến chứng”,còn Bonhoeffer gọi là “say rượu dạng động kinh”.
Theo Corsacop X.X và Xerbski V.P say rượu bệnh lý là tình trạng loạn thần cấp, diễn ra trong một thời gian ngắn, nhất thời với những triệu chứng bệnh lý rối loạn ý thức sâu sắc kiểu mù mờ, kèm theo trạng thái căng thẳng cảm xúc do hoang tưởng và ảo giác chi phối dẫn đến những tác phong sai phạm, nguy hiểm.
II. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA SAY RƯỢU BỆNH LÝ
Rượu chỉ là một tác nhân tất yếu dẫn đến say rượu bệnh lý trong số nhiều yếu tố thuận lợi khác cần được kể đến như: Sự mệt nhọc, thiếu ngủ, đói ăn, suy kiệt, nóng quá mức, khát quá mức, bệnh nhiễm trùng; lo âu, sợ sệt, căng thẳng. Cũng cần kể đến cả uống rượu sau một chuyến hành trình kéo dài trong điều kiện tầu xe không thuận lợi, đường xấu do có sự trao lắc.
Say rượu bệnh lý phát sinh sau uống rượu không phụ thuộc nhiều vào số lượng và loại rượu uống, có khi chỉ một lượng nhỏ rượu nho, cũng có khi là lượng lớn rượu mạnh.
Khởi phát nhanh từ vài phút đến một giờ (ít khi xuất hiện muộn sau nhiều giờ).
Khác với say rượu thông thường, say rượu bệnh lý người bệnh lâm vào ngay rối loạn ý thức trầm trọng, mất định hướng, không duy trì được sự tiếp xúc với những người xung quanh; thường là rối loạn ý thức kiểu hoàng hôn. Nhưng say rượu bệnh lý không phải là say rượu thông thường nặng biến chứng.
Thường phát sinh cảm xúc bất an, lo âu, hoảng sợ đạt tới mức khủng khiếp; cảm xúc không thoải mái về quá khứ, ấn tượng đã từng trải và đôi khi như đã đọc qua, đã trải nghiệm, các hồi tưởng được chế biến một cách bệnh lý. Chúng tạo nên một cảm giác bị đe doạ, nguy hiểm đang nhích lại gần đặc biệt từ phía những người xung quanh dẫn đến việc nhận định mang tính hoang tưởng, nhiều ảo giác rùng rợn, khiếp sợ, dễ dàng tấn công nguy hiểm đối với xung quanh.
Phân biệt với say rượu thông thường, trong say rượu bệnh lý phối hợp vận động còn tốt, vẫn duy trì được thăng bằng, còn khả năng di chuyển nhanh gây ấn tượng như là người bệnh đã thoát ly khỏi ảnh hưởng chuyên biệt của rượu.
Trạng thái say rượu bệnh lý thường kéo dài khoảng một giờ đôi khi vài giờ kết thúc bằng ngủ sâu.
Tuỳ theo hình thái biểu hiện lâm sàng ưu thế có hai hình thái lâm sàng say rượu bệnh lý.
* Trạng thái giống động kinh
* Trạng thái ảo giác paranoide
Cần nắm vững các đặc điểm của say rượu bệnh lý để phân biệt được với say rượu thông thường trong giám định y pháp tâm thần.
Theo TS Lã Thị Bưởi
Nguồn: http://benh.vn/
- Chỉ định kỹ thuật cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần
- Vai trò của thuốc điều hòa khí sắc trong điều rối loạn lưỡng cực
- Cập nhật điều trị trầm cảm lo âu ở bệnh nhân tâm thần phân liệt
- Nguyên tắc chung về dinh dưỡng điều trị
- Tiếp cận chẩn đoán và điều trị động kinh cục bộ
- Chẩn đoán và điều trị mất trí
- Sử dụng Clozapine trong tâm thần phân liệt kháng trị
- ĐỂ DÙNG THUỐC CHỐNG ĐỘNG KINH AN TOÀN
- RỐI LOẠN TỰ KỶ
- MỘT VÀI HƯỚNG NGHIÊN CỨU VỀ SINH BỆNH HỌC TÂM THẦN PHÂN LIỆT