Điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
1. Về bố cục
+ Luât Phòng, chống ma túy năm 2021 có 8 chương với 55 điều, giảm 1 điều so với Luật năm 2000.
+ Luật năm 2021 đã bổ sung một số chương như: Chương 4: Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; bỏ chương quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.
2. Về phạm vi điều chỉnh
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung và làm rõ quy định: quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
3. Về giải thích từ ngữ
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung giải thích một số từ ngữ như:
+ Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
+ Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính.
+ Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định chất ma túy trong cơ thể thông qua mẫu nước tiểu, mẫu máu hoặc các mẫu vật khác của cơ thể người.
+ Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này.
+ Cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở được thành lập để thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định của Luật này, bao gồm cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
4.Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 chỉ có 02 khoản quy định về trách nhiệm phòng, chống ma túy và một số chính sách phòng, chống ma túy. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung và làm rõ rất nhiều chính sách về phòng, chống ma túy như:
+ Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
+ Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.
+ Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.
+ Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy…
5. Nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy
Luật phòng, chống ma túy 2000 chỉ đề cập đến Kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy . Luật năm 2021 quy định chung cho phòng, chống ma túy gồm các nguồn: Ngân sách nhà nước. Nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Chi trả của gia đình, người nghiện ma túy. Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm
Luật năm 2021 đã bổ sung một số hành vi mới cho phù hợp với thực tiễn như:
+ Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy;
+ Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất..
+ Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
+ Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy…
+ Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
7. Trách nhiệm phòng, chống ma túy
Cơ bản Luật 2021 kế thừa các quy định của Luật năm 2000, tuy nhiên đã gọp các nội dung vào từng nhóm như trách nhiệm của gia đình, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ quan báo chí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác
8.Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong Luật 2021 giống với Luật năm 2000 sửa đổi 2008, cụ thể gồm các cơ quan sau: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 bổ sung quy định trách nhiệm xử lý của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, cụ thể: Trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.
9. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Đây là quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 so với Luật năm 2000 sửa đổi, bổ sung 2008, theo đó có một số quy định như:
9.1. Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:
+ Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
+ Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.
9.2.. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định quản lý
9.3.Trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy
+ Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình cho công an cấp xã nơi cư trú.
+ Chấp hành việc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
10. Về cai nghiện ma túy
10.1. Biện pháp cai nghiện ma túy
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 kế thừa Luật năm 2000 quy định 02 hình thức cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện; Cai nghiện ma túy bắt buộc.
Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
10.2. Quy trình cai nghiện ma túy
Luật năm 2021 đã bổ sung quy trình cai nghiện ma túy gồm các bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề; Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
10.3 Bổ sung một số quy định như:
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam; Quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú…
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.
Nguồn: "Cổng Thông tin điện tử Chính phủ"
- SO SÁNH BỊ HẠI VÀ NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
- PHÂN TÍCH TỘI GIẾT NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ
- Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021)
- Lạm dụng rượu – Kẻ thù của an toàn giao thông
- Một số trường hợp bắt buộc chữa bệnh
- Phân biệt các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015
- Tìm hiểu nội dung Điều 125 BLHS năm 2015 về “ Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”
- Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
- LUẬT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC.
- Thông tư số 11/2024/TT-BYT ngày 12 tháng 7 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế