hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Phổ biến kiến thức về Rối loạn tự kỷ

(Trích bài phỏng vấn ThS.BS. Tôn Thất Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế, đã phát trên sóng truyền hình TRT1)

Tự kỷ là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp ở trẻ em với tỷ lệ gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Trẻ bị mắc tự kỷ không những phát triển chậm về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.

Câu 1:  Xin BS cho biết bệnh tự kỷ là gì ? Và tình hình mắc bệnh tự kỷ hiện nay ra sao?         

Tự kỷ là một rối loạn tâm thần trẻ em, thuộc loại rối loạn phát triển lan tỏa, biểu hiện trước 3 tuổi. Tại Mỹ, tỷ lệ tự kỷ là 0,6% dân số trẻ em. Trẻ trai mắc bệnh gấp 4 lần trẻ gái. Tại Việt Nam, chưa có số liệu điều tra bệnh tự kỷ, nhưng nếu ước lượng theo tỷ lệ của Mỹ, nước ta có khoảng 220.000 trẻ mắc tự kỷ. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng, đây là một con số đáng báo động.

Câu 2: Nguyên nhân nào dẫn đến mắc bệnh này? Xin BS cho biết các dấu hiệu của bệnh tự kỷ?

* Nguyên nhân:

Cho đến nay, khoa học chưa xác định được nguyên nhân của bệnh tự kỷ, nhưng giả thuyết được đưa ra là sự bất thường của não:

  • Do mẹ bị bệnh trong thời kỳ thai nghén:
    • Rubella, bệnh tiểu đường.        
    • Mẹ dùng thuốc an thần, acid valproic, thuốc điều trị bệnh dạ dày, tá tràng, viêm khớp.
    • Mẹ thiếu axit folic.
  • Trẻ bị tổn thương não hoặc não kém phát triển trong bào thai hoặc não bị tổn thương rất sớm sau sinh:
    • Viêm não, viêm màng não.
    • Dị dạng não.
    • Đẻ non, thiếu tháng (dưới 37 tuần), cân nặng khi sinh thấp dưới 2500g.
    • Sang chấn sản khoa, chấn thương sọ não.

* Dấu hiệu của tự kỷ:

  • Về xã hội:
    • Trẻ không biết cười với môi trường chung quanh.
    • Chơi một mình, ở trong thế giới riêng của trẻ, không quan tâm đến trẻ khác.
    • Không nhìn vào mắt người khác.   
  • Về giao tiếp:
    • Không đáp ứng khi gọi tên, không biết chỉ tay hoặc vẫy tay chào tạm biệt.
    • Nói những từ  không có nghĩa, có sự lặp lại không ngừng một từ hay một câu vô nghĩa.         
    • Không có khả năng chơi đóng vai, chơi giả vờ hoặc bắt chước.
  • Về hành vi:
    • Có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại, VD: lắc lư người ra phía trước và phía sau, đập đầu, bật tắt công tắc, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục…
    • Quá nhạy cảm với một số cảm giác xúc giác hoặc âm thanh.
    • Đi nhón gót, có những kiểu vận động ngón tay hoặc cơ thể khác lạ.

Câu 3:  Khi phát hiện trẻ bị tự kỷ,  BS có thể cho biết các phương pháp điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ ?

* Nguyên tắc điều trị:

  • Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm bằng các phương pháp thích hợp cho riêng từng trẻ ngay từ khi mới phát bệnh.
  • Trên một trẻ cần áp dụng nhiều phương pháp điều trị. Thuốc men chỉ được sử dụng trong trường hợp có kèm theo các rối loạn tâm thần khác.
  •  Có sự tham gia của nhiều chuyên gia như  BS tâm thần nhi, BS nhi khoa, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để đạt hiệu quả tốt trong điều trị.

* Phương pháp điều trị:

Cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau về y học, tâm lý, giáo dục. Sau đây chỉ nêu một số phương pháp thông dụng, có thể áp dụng được tại bệnh viện và tại gia đình:

  • Tập nói.
  • Tập vận động miệng lưỡi: đánh răng, thổi bong bóng.
  • Tập bắt chước tiếng động: đập trống, gõ bàn, vỗ tay.
  • Tập vận động thô: chạy, đi, đi giật lùi, đứng trên một chân.                          
  • Tập vận động tinh: vẽ, tô mầu, xếp hộp, xâu hạt.  
  • Tập nhìn vào đồ vật và vào mắt người giao tiếp.                            
  • Những sinh hoạt kết hợp: vẽ hình vòng tròn lớn trên bảng, giở sách từng trang.
  • Rèn luyện kỹ năng sống: tự chăm sóc bản thân, kỹ năng sống tự lập.

Câu 4: Xin hỏi BS câu hỏi sau cùng, vậy bệnh tự kỷ có phòng tránh được không? Và nếu nghi ngờ trẻ bị tự kỷ thì cha mẹ hoặc người thân phải làm gi?

* Cách phòng tránh:

Vì chưa rõ nguyên nhân của bệnh tự kỷ, nên các biện pháp phòng ngừa chỉ có giá trị tương đối:

  • Khi mang thai, bà mẹ cần đề phòng mắc bệnh, nhất là nhiễm virus trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ, cần kiêng rượu, thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc, trừ trường hợp thật cần thiết có ý kiến của BS.
  • Phụ nữ nên dùng liều acid folic khuyến nghị mỗi ngày (600mcg) trong tháng đầu của thai hoặc khi dự đinh có thai.
  • Sau khi trẻ ra đời, cha mẹ nên dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện, chơi đùa với trẻ để giúp trẻ phát triển và cũng để phát hiện kịp thời các dấu hiệu tự kỷ.
  • Đề phòng trẻ bị bệnh về não hoặc chấn thương sọ não trong thời gian sớm sau sinh.

* Lời khuyên:

Cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu tự kỷ khi trẻ còn rất bé và đưa đến khám tại Bệnh viện Tâm thần để được tư vấn, chăm sóc và điều trị kịp thời, càng để muộn, kết quả càng hạn chế.

Trích nguồn: http://bvtthan.thuathienhue.gov.vn/

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Phóng sự nghiện game

Lượt truy cập: 1392036
 
Đang trực tuyến: 55