hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Hướng tới Ngày Sức khỏe thế giới 7/4: TĂNG CƯỜNG XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỘNG ĐỒNG

Chỉ bằng việc làm đúng hướng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các bệnh tâm thần sẽ được điều trị chóng thuyên giảm, người bệnh được phục hồi chức năng tâm lý xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng, trở lại lao động sinh hoạt, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, góp phần bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn.

      Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong những năm gần đây, rối loạn tâm thần (RLTT) chiếm khoảng trên 12% tổng số bệnh tật trên toàn thế giới. Đến sau năm 2020, tỷ lệ này sẽ lên đến 15%.Ước tính hiện nay, trên thế giới có khoảng 400 triệu người đang chịu đựng các RLTT hoặc các vấn đề  tâm lý xã hội như  lạm dụng rượu và ma tuý.

       Gánh nặng  RLTT gặp nhiều nhất ở lứa tuổi thành niên, lực lượng sản xuất quan trọng nhất của xã hội. Ở các nước phát triển, người ta đã nhận thấy gánh nặng của RLTT trong hàng chục năm nay. Hao tổn kinh tế  do người bị RLTT là đáng kể. Ở Hoa Kỳ, hàng năm, tốn kém cho việc điều trị RLTT lên đến 148 tỷ USD ( 2,5% thu  nhập toàn quốc). Chi phí gián tiếp còn nặng hơn chi phí trực tiếp từ 2 đến 6 lần. Ở  đa số các nước, gia đình phải chịu phần lớn chi phí và không có sự hỗ trợ của phúc lợi xã hội, ngoài ra, họ còn phải chịu các tổn hại xã hội như gánh nặng lo âu, giảm chất lượng sống, bị xã hội kỳ thị, chối bỏ và mất cơ hội phát triển trong tương lai.

     Các dịch vụ và cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) thường thiếu nguồn lực và ngân sách, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Gần 28% số nước không có ngân sách riêng  cho SKTT. Trong số các nước có ngân sách SKTT thì 37% chi dưới 1% ngân sách cho SKTT.

      Ở Việt Nam, ước tính có 300.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL), 270.000 động kinh (ĐK) và 2.000.000 trầm cảm (TC) có nhu cầu được chăm sóc và điều trị, đó là chưa kể đến gần 300 thể loại RLTT khác nhau mà chúng ta chưa điều tra, hoặc tuy có điều tra nhưng số liệu chưa đầy đủ, và họ cũng có nhu cầu được điều trị như các RLTT  khác.

       Dự án quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và  trẻ em trong nhiều năm qua đã quản lý điều trị cho trên 300.000 bệnh nhân TTPL và ĐK; trong đó, đã có tới trên 240.000 bệnh nhân được điều trị ổn định. Kết quả này giúp giảm đáng kể gánh nặng về kinh tế và trật tự xã hội tại các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, Dự án còn gặp không ít những khó khăn gây cản trở tới hiệu quả quả hoạt động như: nguồn nhân lực chuyên khoa tại các địa phương vẫn trong tình trạng thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, một số tỉnh thành không có kinh phí đối ứng và đa số địa phương không cấp đủ kinh phí để mua thuốc an thần kinh kháng động kinh thế hệ mới.

    Hàng năm,  tuy có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhưng ngân sách của Trung ương và địa phương mới chỉ đủ mua thuốc tối cần (loại cổ điển: Aminazin, Haloperidol, Amitriptyline, Phenobarbital, Phenytoin) cho điều trị  bệnh TTPL,  ĐK, và một số ít bệnh nhân TC  thuộc Dự án. Các dịch vụ khác phục vụ khám chữa bệnh tâm thần cũng chỉ được đáp ứng ở mức độ tối thiểu. Các RLTT như  TC, lo âu và các bệnh tâm thần  khác, nếu người bệnh không có chế độ bảo hiểm y tế và được khám ở tuyến huyện trở lên, hầu như phải tự túc thuốc toàn bộ. Tính đến cuối năm 2016, trên cả nước, số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 70,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 78,7% dân số, nhưng chỉ tuyến huyện trở lên mới  được BHYT cung ứng  thuốc tương đối đủ chủng loại cho một số bệnh tâm thần phổ biến. Vì vậy,  ngay cả khi có thẻ BHYT, người bệnh TTPL, ĐK, TC ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nếu không có khả năng tự túc thuốc, Dự án hoặc BHYT cũng không thể cung ứng đủ thuốc thế hệ mới để điều trị cho họ dù đã được  các Bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, kê đơn.

      Trong năm 2016, công tác Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em được tiếp tục duy trì và đảm bảo chất lượng, mặc dù nguồn kinh phí trung ương cấp cho địa phương bị cắt giảm nhiều (còn 60 % so với năm 2015, 20 % so với năm 2013). Bên cạnh đó, số bệnh nhân tâm thần gia tăng với nhiều chủng loại ngày càng phong phú, nên chắc chắn  Nhà nước không thể phục vụ miễn phí 100% cho tất cả người bệnh. Hơn nữa, các phương pháp, phương tiện chẩn đoán, điều trị bệnh tâm thần ngày càng đa dạng và tỏ ra có hiệu quả hơn phương pháp cổ điển, chúng không chỉ do y tế Nhà nước quản lý mà còn được trang bị đầy đủ tại các cơ sở chuyên khoa tư nhân.

       Vì những điều kiện và hoàn cảnh khó nhăn nêu trên, cần tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần, đó là một việc làm thực tế và cần thiết trong giai đọan hiện nay. Trước hết, không thể không nói đến vai trò của gia đình, thân nhân, họ hàng người bệnh có thu nhập ổn định, sau đó là các cá nhân và tổ chức từ thiện hảo tâm. Khi đã được chẩn đoán xác định bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, lo âu… chậm đáp ứng hoặc đề kháng với thuốc cổ điển; gia đình và cộng đồng cần vận động các đối tượng trên hỗ trợ kinh phí để mua thuốc thế hệ mới (Olanzapine, Risperidone, Quetiapine, Fluoxetine, Paroxetine, Tianeptine, Valproic Acid (Depakin),  Carbazepine, Topiramate, Gabapentine...) hầu kịp thời điều trị cho người bệnh. Với thuốc mới, hiệu quả điều trị nhiều loại bệnh tâm thần sẽ cao và nhanh hơn hẳn, ngoài ra, chúng có rất ít tác dụng phụ. Chỉ bằng việc làm đúng hướng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các bệnh tâm thần sẽ được điều trị chóng thuyên giảm, người bệnh được phục hồi chức năng tâm lý xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng, trở lại lao động sinh hoạt, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, góp phần bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn .

 

                                                                                                                  ThS.BS Tôn Thất Hưng

                                           PCT.  Thường trực Chi hội Tâm thần học Thừa Thiên Huế

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Phổ biến kiến thức: Giám định pháp y tâm thần

Lượt truy cập: 1356410
 
Đang trực tuyến: 129