hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG RỐI LOẠN TÂM THẦN VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN THÚC ĐẨY HÀNH VI PHẠM TỘI CÁC ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG CHẤT DẠNG AMPHETAMINE TRONG GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TÂM THẦN


BSCKII. Ngô Đình Thư và cộng sự

 

TÓM TẮT
Ma tuý là nguồn gốc dẫn đến tội phạm, là nguyên nhân của sự bần cùng hoá gia đình, làm băng hoại sức khoẻ, đạo đức, nhân cách, là bạn đồng hành của thảm hoạ HIV/AIDS; đồng thời, nó còn tác động xấu đến an ninh, trật tự, sự ổn định và sự phát triển bền vững của xã hội [1], [6]. Ma tuý đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng Việt Nam mà của toàn thế giới. 

Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp tại các địa phương đang tăng nhanh với xu hướng người nghiện heroin chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp [1], [68]. Từ những thập niên 90 của thế kỷ XX, các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đã trở thành một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng [4], [69], [72].

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, có khoảng 35 triệu người sử dụng các chất kích thích dạng Amphetamine [1], [4]. Tại Việt Nam, năm 2010, chất kích thích dạng Amphetamine đã trở thành loại ma túy phổ biến thứ hai sau heroin. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 31/5/2014 cả nước có 204.377 người nghiện có hồ sơ quản lý (227/100.000 dân) tăng 12,7% so với cuối năm 2013. Đây mới chỉ là số người nghiện cơ quan chức năng có hồ sơ quản lý, thực tế ước tính con số này còn lớn hơn rất nhiều lần. Trong số người nghiện thống kê được, nam giới chiến 96%, nữ giới chiếm 4%; dưới 16 tuổi chiến 0,02 %; từ 16 đến dưới 30 tuổi: 50%; từ 30 tuổi trở lên: 49,8%. Sử dụng heroin chiếm 72%; ma túy tổng hợp: 14,5%; thuốc phiện: 6,4%; cần sa: 1,6 %; loại khác: 5,5% [1], [12].

Nghiên cứu của McKetin và cộng sự (2008) nhận thấy 13% có triệu chứng loạn thần, tỷ lệ loạn thần trong số người sử dụng ATS ở thời điểm nghiên cứu cao gấp 11 lần so với dân số chung [50]. Sử dụng ATS gây ra các rối loạn tâm thần và hành vi đe dọa cuộc sống của đối tượng, gia đình và gây rối loạn trật tự xã hội nghiêm trọng [49]. Ngày càng có nhiều hành vi phạm tội liên quan đến rối loạn tâm thần do các chất kích thích tổng hợp, đặc biệt là methamphetamine (meth), xuất hiện trong thực tiễn pháp y trong những năm gần đây. Xác định trách nhiệm hình sự là một vấn đề gây tranh cãi cho những người phạm tội bị rối loạn tâm thần do ma túy [72]. Do vậy, nghiên cứu các rối loạn tâm thần do sử dụng ATS có ý nghĩa thực tiễn để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện việc giám định pháp y tâm thần cho các đối tượng này.

PHƯƠNG PHÁP

Nghiên cứu hồi cứu. Cỡ mẫu: Mẫu thuận tiện. Thời gian nghiên cứu Từ tháng 07/2015 đến tháng 11/2019. Địa điểm nghiên cứu Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần do sử dụng ATS theo Bảng phân loại bệnh quốc tế - phiên bản thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-10, WHO 1992) và theo Quyết định số 3556 /QĐ-BYT ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Công cụ thu thập số liệu: dựa vào mục tiêu nghiên cứu để thiết kế phiếu điều tra. Các dữ liệu trong phiếu điều tra tập trung vào ba nội dung là đặc điểm chung, đặc điểm lâm sàng, yếu tố liên quan và thúc đẩy hành vi phạm tội.

Phân tích và xử lý số liệu: Tất cả số liệu thông tin thu thập được sẽ được xử lý theo phương pháp thống kê toán học bằng  phần mềm SPSS 16.0.

KẾT QUẢ

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA NHÓM BỆNH NHÂN NGHIÊN CỨU

1.Tuổi của đối tượng nghiên cứu

Tuổi trung bình trong nghiên cứu là 28,8 ± 7,24. Tuổi nhỏ nhất là 16 tuổi, lớn nhất là 54 tuổi. Nhóm tuổi 21-30 chiếm tỷ lệ cao nhất, 56,1% số đối tượng nghiên cứu. Độ tuổi ≤ 30 chiếm tỷ lệ 68,3%.

2.Tình trạng hôn nhân của đối tượng nghiên cứu

Nhóm chưa kết hôn 22 đối tượng (53,7%); nhóm đã kết hôn 13 đối tượng (31,7%); nhóm ly hôn 6 đối tượng (14,6%). Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng khi nghiên cứu là 28,8 ± 7,24, trong đó 68,3% chưa kết hôn và ly hôn là một tỷ lệ khá cao, điều này có thể do tuổi bắt đầu sử dụng ma tuý khá sớm (23,49 ± 7,18) và tỷ lệ không có nghề nghiệp, lao động tự do cao ảnh hưởng đến tình trạng hôn  nhân của người bệnh.

3.Đặc điểm theo giới của đối tượng nghiên cứu

Đa số đối tượng nghiên cứu là nam 39 (95,1%); nữ chỉ chiếm 4,9%.

4.Trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu

Về trình độ học vấn của nhóm đối tượng nghiên cứu, chiếm cao nhất là trung học cơ sở  21 (51,2%), phổ thông trung học 36,6%, thấp nhất cao đẳng, đại học cùng tỷ lệ 2,4%. Như vậy, tỷ lệ học lên cao của đa số đối tượng của nhiều nghiên cứu đến điều trị tại các bệnh viện tâm thần có vấn đề.

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA NHÓM ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm các rối loạn hoang tưởng của đối tượng nghiên cứu

          Kết quả nghiên cứu cho thấy có 56,1% đối tượng nghiên cứu có hoang tưởng, trong đó hoang tưởng bị truy hại chiếm tỷ lệ cao nhất 43,9%, hoang tưởng bị xâm nhập, khuếch đại, khác cùng có tỷ lệ 7,3%, hoang tưởng liên hệ, bị chi phối, kỳ quái và gán ý cùng chiếm tỷ lệ 2,4%.

2.Đặc điểm các rối loạn ảo giác của đối tượng nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu có 70,7% đối tượng nghiên cứu có ảo giác, trong đó ảo thanh chiếm tỷ lệ cao nhất 70,7%, ảo thị chỉ chiếm tỷ lệ 24,4%.

3.Đặc điểm các rối loạn khí sắc của đối tượng nghiên cứu

Có 70,7% đối tượng nghiên cứu có rối loạn khí sắc, trong đó khí sắc không ổn định chiếm tỷ lệ cao nhất 36,6%, trầm cảm chiếm tỷ lệ 29,4%, hưng cảm, bồn chồn lo âu và hằn học cùng có tỷ lệ 12,2%.

4.Đặc điểm các rối loạn hành vi tác phong của đối tượng nghiên cứu

Trong nghiên cứu có 85,4%% đối tượng nghiên cứu có rối loạn hành vi, trong đó kích động chiếm tỷ lệ thấp nhất 2,4%, gây hấn 7,3%, gia tăng vận động và rối loạn khác cùng chiếm tỷ lệ 19,5%, giảm vận động chiếm tỷ lệ cao nhất 46,3%.

MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

          Tình hình sử dụng ATS của đối tượng nghiên cứu

Về tuổi bắt đầu sử dụng ma tuý của nhóm đối tượng nghiên cứu, tuổi hay gặp nhất là từ 21- 30 với 18 đối tượng (43,9%), dưới 20 tuổi 16 đối tượng (39%), trên 30 tuổi có 7 đối tượng (17%). Đa số người nghiện bắt đầu dùng ma tuý từ tuổi còn rất trẻ, dưới 30 tuổi  (83%).

Về thời gian sử dụng cho đến khi bị loạn thần của nhóm đối tượng nghiên cứu, số đối tượng có thời gian sử dụng trên 3 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (43,9%), nhóm  sử dụng  ≤ 1 năm chiếm 26,8%, nhóm đối tượng sử dụng 1 - 3 năm là 29,3%.

Tần suất sử dụng của các đối tượng nghiên cứu có 29,3% dùng hàng ngày, 48,8% dùng hàng tuần và 17,1% dùng hàng tháng.

Tình hình cai nghiện của đối tượng nghiên cứu: chỉ có 17,1%  đối tượng đã từng tham gia cai nghiện.

MỘT SỐ YẾU TỐ THÚC ĐẨY HÀNH VI PHẠM TỘI

  1. Mục đích của hành vi phạm tội của đối tượng nghiên cứu

Tỷ lệ mục đích phạm tội vì vụ lợi chiếm tỷ lệ cao nhất 43,9%; không có mục đích chiếm tỷ lệ 24,4%, để thỏa mãn bản năng 17,1%, mục đích trả thù 14,6%.

  1. Địa điểm gây án, phương tiện phạm tội của đối tượng nghiên cứu

Địa điểm gây án có tỷ lệ cao nhất là nhà nạn nhân 41,5%; tiếp theo nơi công cộng chiếm tỷ lệ 36,6%, nhà của tội phạm 12,2%, các nơi khác 9,8%.

Các phương tiên sử dụng gây án của đối tượng nghiên cứu với sức lực của bản thân đối tượng có tỷ lệ cao nhất 43,9%; phương tiên thô sơ chiếm tỷ lệ 39%, các phương tiên khác chỉ chiếm tỷ lệ thấp 14,7%.

Tỷ lệ sẵn có ở hiện trường của phương tiện phạm tội chiếm tỷ lệ cao 75,7 và các phương tiện đối tượng mang đến chỉ có 24,4%.

Các kết quả trên chứng tỏ hành vi phạm tội do đối tượng gây ra chủ yếu liên quan đến hành vi hung hăng và bạo lực và có thể do đối tượng hiểu sai về một môi trường lành tính như một môi trường thù địch và đe dọa; mặt khác sử dụng meth có liên quan đến suy giảm chức năng nhận thức ở vỏ não trước trán  [23], [45].

  1. Yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội của đối tượng nghiên cứu

Yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở đối tượng nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao nhất là yếu tố ngoại lai (các chất kích thích và tác động tâm thần) 87,8%; yếu tố loạn thần chiếm tỷ lệ 31,7%; san chấn tâm lý chỉ chiếm tỷ lệ 2,4%. Trong các chất kích thích và tác động tâm thần thúc đẩy hành vi phạm tội của đối tượng thì meth chiếm tỷ lệ 73,2%; các chất khác chỉ chiếm 12,2%.

  1. Tội danh, hậu quả của hành vi phạm tội của đối tượng nghiên cứu 

Tội danh trộm cắp chiếm tỷ lệ cao nhất 26,8%; giết người chiếm tỷ lệ 24,4%, tiếp theo là tội khác 17,1%; Cố ý gây thương tích 12,2%. Điều này có thể lý giải do mục đích hành vi phạm tội của đối tượng phần lớn là vụ lợi và hành vi bạo lực chủ yếu bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng meth [52].

Kết quả tác hại do hành vi phạm tội của đối tượng: chiếm tỷ lệ cao nhất là thiệt hại tài sản 43,9%; gây thương tích 22%; hậu quả chết người có tỷ lệ 14,6%; gây rối trật tự 12,2%.

KẾT LUẬN

Hiện nay, có một nhu cầu cấp thiết là tăng cường quản lý chính phủ để ngăn chặn sự phổ biến của meth. So với các loại thuốc gây nghiện khác (trừ cần sa), lạm dụng meth có nhiều khả năng các triệu chứng loạn thần giống như tâm thần phân liệt thường biến mất trong vòng một tháng sau khi sử dụng đã chấm dứt. Tuy nhiên, một số người dùng meth gặp phải các triệu chứng loạn thần kéo dài sau hơn 6 tháng. Nguyên nhân, bệnh sinh và diễn biến lâm sàng của rối loạn tâm thần meth không rõ ràng, điều này làm tăng khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và đánh giá tâm thần pháp y. Đáng chú ý, một loạt các bằng chứng từ mô tả đơn giản, dịch tễ học, thí nghiệm trên động vật và nghiên cứu hình ảnh cho thấy việc sử dụng meth có thể làm tăng hành vi bạo lực. Do đó, sử dụng meth có liên quan cao với tội phạm bạo lực. Ba yếu tố nguy cơ chính của bạo lực liên quan đến meth là mức độ sử dụng meth, các triệu chứng loạn thần do meth gây ra và suy giảm nhận thức. Việc sử dụng meth nặng thường đi kèm với các triệu chứng loạn thần, làm tăng khó khăn trong việc đánh giá năng lực nhận thức và ý chí của đối tượng cũng như thẩm định trách nhiệm hình sự. /.

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Phổ biến kiến thức: Giám định pháp y tâm thần

Lượt truy cập: 1356040
 
Đang trực tuyến: 62