hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Nghiên cứu tình hình và yếu tố tâm lý xã hội liên quan đến Rối loạn trầm cảm tại phường Xuân Phú - TP Huế

Ngày càng nhiều người ở lứa tuổi rất trẻ tự sát vì nguyên nhân trầm cảm. Cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đi khám đúng chuyên khoa để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đề tài này đã được tiến hành từ năm 2007, chúng tôi xin đăng tải để Quý Bạn đọc tham khảo thêm về tình hình Rối loạn trầm cảm ở một phường nội thành, thành phố Huế.

NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH VÀ YẾU TỐ TÂM LÝ XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN RỐI LOẠN TRẦM CẢM TẠI PHƯỜNG XUÂN PHÚ – TP HUẾ

ThS. BS. Tôn Thất Hưng*,BSCKII. Ngô Đình Thư*, BSCKI. Nguyễn Ngọc Thượt*, BSCKI. Hoàng Thị Anh Đào*, BSCKI. Châu Văn Hậu*, BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Nở **, BSCKI. Nguyễn Thị Cẩm Quỳ***

(Bệnh viện Tâm thần Huế*, Bệnh viên Đa khoa tỉnh**, TTYT Thành phố Huế***)

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của rối loạn cảm xúc giảm khí sắc, đặc trưng bởi các triệu chứng buồn rầu, giảm thích thú, giảm năng lượng cơ thể, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, cảm nhận không xứng đáng, giảm khả năng tập trung, chú ý…Các giai đoạn trầm cảm thường tái diễn khoảng 50% trường hợp, trầm cảm gây ra nhiều tổn hại cho cá nhân, gia đình và xã hội, gây mất khả năng lao động, là nguyên nhân của 2/3 các trường hợp tự sát trên thế giới.

     Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 5 % dân số trên hành tinh chúng ta có rối loạn trầm cảm. Ở Australia, nghiên cứu cho thấy, trầm cảm chiếm 20 – 30% dân số, trong đó 3 – 4% là trầm cảm vừa và nặng. Tại Mỹ, theo Kesoler (1994), có 10,3% dân số bị trầm cảm và tỷ lệ mắc phải trong đời là 17,1%. Nghiên cứu của Levine (1993), tại Pháp, trầm cảm ở  nữ chiếm 6%, tỷ lệ mắc phải trong đời là 22,64%; nam 3,4%, trong đời 10,7%. Điều tra trên 10.000 thầy thuốc hành nghề ở 5 nước Châu Âu ( Áo, Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ),  Kielhoz (1974) cho biết, 10% bệnh nhân đến khám tại các phòng khám đa khoa có rối loạn trầm cảm. Ở Trung Quốc, trầm cảm chiếm 4,8 – 8,6% dân số. Thavichachart (2001) điều tra tại Bangkok cho thấy,  tỷ lệ mắc phải trong đời của trầm cảm là 19,9%.

      Ở Việt Nam, Nguyễn Đăng Dung (1997) cho biết,  tỉ lệ mắc trầm cảm trong nhân dân xấp xỉ 2 – 5 %. Nguyễn Viết Thiêm (1999) nghiên cứu ở xã Quất động - Hà Tây cho tỷ lệ cao hơn: có đến 8,35% dân số bị trầm cảm. Từ năm 2001-2003, Nghành Tâm thần Việt Nam điều tra 8 vùng sinh thái khác nhau với sự giúp đỡ của bộ câu hỏi CIDI kết hợp khám lâm sàng và test Beck cho thấy, trầm cảm chiếm 2,8% dân số.

     Điều tra tại Thừa Thiên - Huế trên 2 xã: Lộc Tiến - Phú Lộc (2006) và Hương Xuân - Hương Trà (2008), chúng tôi phát hiện rối loạn trầm cảm lần lượt chiếm 2,01% và 1,85% dân số.

     Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến rối loạn trầm cảm, các tác giả nhận thấy, tuổi khởi  phát nhìn chung hay gặp từ 20 – 50, tỷ lệ trầm cảm gặp cao nhất ở độ tuổi 25 – 44. Về giới, nhiều thống kê cho thấy,  trầm cảm gặp ở nữ nhiều hơn nam, tỉ lệ 2/1. Nhiều tác giả điều tra trên một số vùng địa lý cho biết, tỷ lệ trầm cảm ở Châu Á thấp hơn Châu Âu và Châu Mỹ, khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn ở nông thôn và miền núi. Những người ly dị hoặc ly thân có nguy cơ trầm cảm cao hơn những người chưa lập gia đình và có gia đình, và những người nghề nghiệp ổn định có tỷ lệ trầm cảm thấp hơn những người thất nghiệp và nghề nghiệp không ổn định. Về yếu tố di truyền, 50% số bệnh nhân rối loạn cảm xúc có ít nhất cha hoặc mẹ mắc rối loạn cảm xúc và thường là trầm cảm; nếu cả bố và mẹ mắc thì tỉ lệ cao  đến 70% các trường hợp con cái họ.

     Về nguyên nhân của trầm cảm, ngoài di truyền,  nội sinh, thứ phát sau một bệnh tâm thần khác, yếu tố tâm lý xã hội chiếm vai trò quan trong. Các yếu tố tâm lý xã hội này có thể là yếu tố thuận lợi, yếu tố thúc đẩy hoặc trong một số trường hợp là nguyên nhân của rối loạn trầm cảm.

     Nghiên cứu về căn nguyên của trầm cảm,  Clark (1991) cho rằng, yếu tố tâm lý xã hội là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm. Stader (1998) nghiên cứu trầm cảm trên sinh viên đại học, cho thấy sang chấn tâm lý giữa người và người có liên quan đến nguyên nhân gây trầm cảm. Hunt, Sunwich, Andrews (1996) cho rằng, những sự kiện sống mang tính stress là yếu tố khởi phát hoặc thúc đẩy rối loạn trầm cảm. Trần Viết Nghị (2002)  cho biết, yếu tố tâm lý xã hội hay gặp trong trầm cảm là kinh tế khó khăn: 19,74%, xung đột gia đình: 11,59%, con cái hư hỏng: 10,73%, người thân chết: 9,01%. Theo Lã Thị Bưởi (2002), 66% phụ nữ mãn kinh bị trầm cảm có liên quan đến yếu tố con cái hư hỏng,  57% liên quan đến có người thân bị chết.

     Trong thời đại công nghiệp và hội nhập, các rối loạn trầm cảm có xu hướng gia tăng; nhận thấy đây là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm cảnh báo và nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phòng và điều trị các rối loạn này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài trên “Nghiên cứu tình hình và yếu tố tâm lý xã hội liên quan đến rối  loạn trầm cảm  taị phường Xuân Phú-Thành phố Huế” với hai mục tiêu:

      1.Đánh giá tỉ lệ hiện mắc rối loạn trầm cảm trong cộng đồng dân cư tại một phường nội thành, thành phố Huế.

      2. Xác định một số yếu tố tâm lý xã hội liên quan đến rối loạn trầm cảm.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng

2.1.1. Địa bàn: Phường Xuân Phú  thuộc Thành phố Huế, là phường nội thành có diện tích tự nhiên 1.830 km², cách trung tâm Thành phố Huế 1 km về phía Nam, dân số 11.103, đa số là người kinh theo đạo Phật. Nghề nghiệp chủ yếu tại đây là buôn bán nhỏ, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,14%. Trạm Y tế phường đã triển khai quản lý bệnh tâm thần phân liệt  và động kinh tại phường từ  năm 1991.

     Thời gian tiến hành nghiên cứu: tháng  4 năm 2007.           

2.1.2. Đối tượng: Tòan dân có hộ khẩu thường trú tại phường và người giám hộ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

2.2.1.Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên quần thể.

2.2.2.Cỡ mẫu: Sử dụng công thức ước lượng tỷ lệ: 

                                                                                                  

Trong đó: 

                      - p của bệnh động kinh (có tỷ lệ hiện mắc dự kiện thấp nhất trong các rối loạn tâm thần được điều tra =  0, 0035)

                      - Z   = 1,96 {cho độ tin cậy 95% (a = 0,05), tra bảng, ta có  Z = 1,96 }

                      - c (độ chính xác  mong muốn ) = 0,0015 (không quá 40% của 0,0035)

                     

     Nhưng chúng tôi chọn cỡ mẫu là toàn bộ quần thể đích N = 10.314 để phát hiện được nhiều trường hợp bệnh hơn, thuận lợi cho áp dụng các phép tính thống kê.

2.2.3. Công cụ: Phiếu điều  tra: Sử dụng phiếu điều tra chung thống nhất của  Dự  án Quốc gia Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng (DAQGBVSKTTCĐ) để sơ bộ phát hiện một số rối loạn tâm thần. Đối với trầm cảm và một số rối loạn tâm thần (RLTT) thường gặp, dựa vào Bảng Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10), lập bảng câu hỏi. Ngoài ra, sử dụng bổ sung test Beck đối với trầm cảm và test Zung đối với lo âu. Bảng câu hỏi được chỉnh sửa  cho phù hợp sau khi điều tra thử trên 100 hộ.             

2.2.4. Kỹ thật thu thập thông tin:

     - Bước 1: Điều tra sàng lọc: Sau khi được tập  huấn, điều tra viên là y tế tổ và cộng tác viên, sử dụng phiếu điều tra chung, đến từng hộ phỏng vấn trực tiếp 100% chủ hộ và người nghi mắc RLTT  để phát hiện bệnh.

     - Bước 2: Phát hiện rối loạn trầm cảm, các rối loạn tâm thần khác và yếu tố tâm lý xã hội: Bác sĩ chuyên khoa cấp I tâm thần đến từng hộ nghi ngờ để phỏng vấn, phối hợp với thăm khám lâm  sàng và/ hoặc tham khảo hồ sơ, bệnh án, sổ điều trị ngoại trú, đơn thuốc, giấy ra viện, quan sát hiện trường để kiểm chứng lời khai.

     - Tiêu chuẩn chẩn đóan trầm cảm và các RLTT khác : Theo tiêu chuẩn của ICD 10 (1992), riêng lạm  dụng rượu dựa vào tiêu chuẩn cuả DSM IV (Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, 1994)  

     - Yếu tố tâm lý xã hội (TLXH):

     Khi nghiên cứu về yếu tố tâm lý xã hội liên quan đến trầm cảm, chúng tôi chọn mẫu là toàn bộ bệnh nhân trầm cảm đã được phát hiện (gọi là nhóm bệnh) và gia đình. Các đối tượng mắc rối loạn tâm thần khác chúng tôi xem như nhóm không bệnh.

     - Nhận thức của gia đình về rối loạn trầm cảm: BS điều tra hỏi gia đình 3 câu hỏi mở  về nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị trầm cảm. Người nhà trả lời đúng cả ba câu: đúng hoàn toàn, đúng 1-2 câu: đúng một phần, sai cả ba câu: sai hoàn  toàn.

2.2.5. Xử lý số liệu: sử dụng phần mềm EPI INFO 2002 phiên bản 3.3.2

3.KẾT QỦA VÀ BÀN LUẬN

3.1.Tổng số dân được điều tra : 10.314/11.103, chiếm 92,89% dân số.

3.2.Tỷ lệ hiện mắc  trầm cảm (TrC) và phân bố theo giới, tuổi

Bảng 1. Tỷ lệ hiện mắc trầm cảm, phân bố theo giới và tuổi

 

3.2.1.Tỷ lệ trầm cảm: Kết quả của chúng tôi thấp hơn Ngô Ngọc Tản (Hà Tây): 3,4% và Trần Viết Nghị (Thái Nguyên): 2,61%, tương đương với kết quả điều tra của chúng tôi tại Hương Xuân (1,85%).       

     Theo điều tra của Gonzalez (2001), trầm cảm ở người trên 60 tuổi chiếm 25,4%, nữ 32%, nam 16,3%. Angst (1994) cho biết, trầm cảm chiếm từ 4 - 6,5% dân số. Nghiên cứu của Leguay, Rouillon (1995) cho thấy, trầm cảm ở Hoa Kỳ chiếm 20% nữ và 12% nam.  Theo Kashani, Rouillon (1995), ở thanh thiếu niên, rối loạn trầm cảm chiếm 10-20%, còn trầm cảm nặng (major depression) chiếm tỷ lệ 2%. Hoàng Cẩm Tú cho biết, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên Việt Nam là 1- 3%. Lã Thị Bưởi nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh, cho biết có 5,6% mắc trầm cảm các loại.

3.2.2.Giới: Nữ gặp nhiều nhất 3,17%, phù hợp với nhiều tác giả trong và ngoài nước,  tỷ lệ nữ/nam là 5,06/1(p< 0,001); cao hơn Trần Viết Nghị (nữ/nam: 4/1); tương tự tại xã Lộc Tiến, giới nữ gặp nhiều nhất 3,15%, tỷ lệ nữ/nam là 4,32/1.

3.2.3. Độ tuổi: Chúng tôi gặp nhiều nhất là 30-59 (3,14% tính theo độ tuổi) (p< 0,001), tương tự số liệu của Trần Hữu Bình (Hà Nội) (71,76% tính trên tổng số). Chúng tôi ít gặp ở độ tuổi 0-29 (1,09%), đó là độ tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, kết quả này tương tự nghiên cứu của Jamison (1990).

3.3. Các rối lọan tâm thần khác: Qua kết hợp điều tra một số rối loạn tâm thần thường gặp ngoài trầm cảm, chúng tôi phát hiện được 954 trường hợp.

3.4. Mức độ rối loạn trầm cảm:

Bảng 2. Mức độ rối loạn trầm cảm

     Mức độ vừa của chúng tôi chiếm tỷ lệ cao nhất (49,5%) và mức độ nặng có loạn thần chiếm tỷ lệ thấp nhất (7%); kết quả này tương xứng với Trần Viết Nghị: vừa cao nhất (48,65%), nặng có loạn thần thấp nhất (14,59%), và Trần Hữu Bình, vừa cao nhất (47,65%), nặng có loạn thần thấp nhất (16,47%).

3.5. Nghề nghiệp hiện tại của người mắc rối loạn trầm cảm

Bảng 3. Phân bố nghề nghiệp hiện tại của người mắc rối loạn trầm cảm

     Buôn bán, lao động tự do chiếm tỷ lệ cao nhất (61,55%). Cơ cấu nghề nghiệp của bệnh nhân trầm cảm tại Xuân Phú tương xứng với cơ cấu nghề nghiệp của dân cư tại một phường nội thành thành phố Huế.

3.6. Trình độ học vấn của bệnh nhân rối loạn trầm cảm

Bảng 4. Phân bố trình độ học vấn của bệnh nhân rối loạn trầm cảm

     Trình độ học vấn của bệnh nhân trầm cảm gặp nhiều nhất là trung học cơ sở 39%.

3.7. Tình trạng hôn nhân người mắc rối loạn trầm cảm

Bảng 5. Phân bố tình trạng hôn nhân của người mắc rối loạn trầm cảm

     Đa số (68,5%) đều có gia đình, đó là một thuận lợi về mặt tiên lượng của rối loạn trầm cảm.  Trần Viết Nghị và Trần Hữu Bình cũng nhận thấy phần lớn người mắc trầm cảm đều đã kết hôn (lần lượt là 82,35% và 69,1%).

3.8. Hoàn cảnh kinh tế của người mắc rối loạn trầm cảm

Bảng 6. Phân bố hoàn cảnh kinh tế của người mắc rối loạn trầm cảm

     Đời sống kinh tế đa số người bệnh là trung bình (64,5%), số giàu có rất thấp (1,5%).

3.9. Nhận thức của gia đình về rối loạn trầm cảm

Bảng 7. Nhận thức của gia đình về rối loạn trầm cảm

     Đa số có nhận thức đúng một phần (61,5%). Số gia đình có nhận thức sai hoàn toàn chỉ chiếm 13%. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa giáo dục sức khoẻ về rối loạn trầm cảm cho cộng đồng.

3.10. Tình hình điều trị

Bảng 8. Tình hình điều trị

     Số liệu trên cho thấy, có đến 68,5% bệnh nhân chưa từng được điều trị bằng dịch vụ y tế, ngay cả khi họ có nhận thức đúng hoặc đúng một phần về rối loạn trầm cảm. Nguyên nhân có thể do họ mắc thể trầm cảm nhẹ hoặc có mặc cảm nên không đến bác sĩ hoặc phòng khám chuyên khoa tâm thần. Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với Trần Viết Nghị: chưa điều trị 66,9%.

3.11. Số yếu tố TLXH trong trầm cảm                         

Bảng 9. Số yếu tố TLXH trong trầm cảm

     Số bệnh nhân có 1-3 yếu tố TLXH chiếm đa phần: 74,5%, cá biệt 4 trường hợp có từ 6 yếu tố trở lên (0,2%).                                              

3.12. Phân bố yếu tố TLXH, liên quan giữa yếu tố TLXH và rối loạn trầm cảm

Bảng 10. Phân bố yếu tố TLXH, liên quan giữa yếu tố TLXH và rối loạn trầm cảm

     Sử dụng test  cho kết quả: từng yếu tố TLXH như quan hệ  vợ chồng, gia đình không hoà thuận, thất bại trong tình yêu (49,5%); không hài lòng về con cái (33%); tai nạn quan trọng xảy ra trong gia đình (10,5%); người thân chết trong vòng 6 tháng (0,5%); làm ăn thua lỗ (16%); môi trường xã hội nơi ở thiếu lành mạnh (4,5%), có liên quan đến rối loạn trầm cảm. Các mối liên quan này có ý nghĩa thống kê (p< 0,001, < 0,01 hoặc <0,05). Một số yếu tố như: kinh tế khó khăn, khó khăn về nhà cửa, người thân trong gia đình mắc bệnh, người thân trong gia đình dùng rượu, có vấn đề liên quan đến pháp luật, bất hòa với láng giềng; mâu thuẫn ở cơ quan, bạn bè, không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

     Trần Hữu Bình cho thấy, yếu tố TLXH ở người trầm cảm là kinh tế khó khăn (30,59%), xung đột trong gia đình (21,76%), con cái hư hỏng (11,76%), làm ăn thua lỗ (12,94%). Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hòe (2001) nghiên cứu trên thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số ở một trường phổ thông trung học nội trú, cho thấy học sinh mắc trầm cảm có liên quan đến một số yếu tố TLXH như: nhớ gia đình, bạn bè (71,43% ), có chuyện buồn từ gia đình (35,71%), kết quả học tập sút kém (35,71%). Theo Lã Thị Bưởi, 66% phụ nữ mãn kinh bị trầm cảm có liên quan đến yếu tố con cái hư hỏng,  57% có người thân bị chết.

     Qua đó, ta thấy các yếu tố TLXH có liên quan đến gia đình: quan hệ  vợ chồng, gia đình không hoà thuận, thất bại trong tình yêu (49,5%); không hài lòng về con cái (33%); tai nạn quan trọng xảy ra trong gia đình (10,5%); người thân chết trong vòng 6 tháng (0,5%); làm ăn thua lỗ (16%) nêu trên có liên quan đến trầm cảm (p<0,05). Các yếu tố khác ngoài gia đình như: có vấn đề liên quan đến pháp luật; bất hòa với xóm giềng; mâu thuẫn ở cơ quan, bạn bè, thường không liên quan đến trầm cảm (p>0,05).

     Rõ ràng không môi trường nào có ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi của con người ngoài gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Mái ấm gia đình là cái nôi hình thành đạo đức, nhân cách. Các nhà xã hội học từ lâu  coi gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình xã hội hóa, hình thành, giáo dục  nhân cách của trẻ em và cả người lớn. Như vậy có thể nói nếu sống trong gia đình hạnh phúc thì nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm sẻ giảm thiểu đáng kể.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận   

     Nghiên cứu trên 11.103 cư dân tại Phường Xuân Phú- Thành phố Huế bằng phương pháp điều tra cắt ngang có phân tích, chúng tôi có kết quả như sau:

-  Tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm 1,94% dân số.

-  Tỷ lệ nữ/nam là 5,06/1(p< 0,001).

-  Độ tuổi gặp nhiều nhất là 30-59 (3,14% tính theo độ tuổi) (p< 0,001)

          - Trầm cảm mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất (49,5%) và mức độ nặng có loạn thần chiếm tỷ lệ thấp nhất (7%).

-  Buôn bán, lao động tự do chiếm tỷ lệ cao nhất (61,5%).

-  Đa số (68,5%) đều có gia đình.

-  Đa số có nhận thức đúng một phần về rối loạn trầm cảm (61,5%).

-  Phần lớn (68,5%) bệnh nhân chưa từng được điều trị bằng dịch vụ y tế.

         - Số bệnh nhân có 1-3 yếu tố TLXH liên quan chiếm đa phần (74,5%).

         - Các yếu tố TLXH liên quan đến rối loạn trầm cảm có ý nghĩa thống kê (p< 0,001 ; < 0,01 hoặc <0,05) là: quan hệ  vợ chồng, gia đình không hoà thuận, thất bại trong tình yêu; không hài lòng về con cái; tai nạn quan trọng xảy ra trong gia đình; người thân chết trong vòng 6 tháng; làm ăn thua lỗ; môi trường xã hội nơi ở thiếu lành mạnh.

         - Các yếu tố liên quan đến rối loạn trầm cảm không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) là: kinh tế khó khăn; khó khăn về nhà cửa; người thân trong gia đình mắc bệnh; người thân trong gia đình dùng rượu; có vấn đề liên quan đến pháp luật; bất hòa với láng giềng; mâu thuẫn ở cơ quan, bạn bè.       

4.2. Kiến nghị:

       - Cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng kiến thức về rối loạn trầm cảm, đặc biệt  tác hại của trầm cảm, cùng những biện pháp phòng chống và địa chỉ điều trị là chuyên khoa tâm thần.

       - Cần giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam, hạn chế những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, kiểm soát dần, đi đến bài trừ các tệ nạn xã hội, làm cho môi trường sống trở nên lành mạnh, để hạn chế các yếu tố tâm lý xã hội thúc đẩy, thuận lợi, hoặc trực tiếp làm phát sinh rối loạn trầm cảm .

       - Đưa rối loạn trầm cảm vào danh mục các bệnh tâm thần cần được chăm sóc bởi Dự án  Quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và tăng ngân sách cho ngành tâm thần để tổ chức phòng chống rối loạn trầm cảm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.Trần Hữu Bình (2005), “Nghiên cứu rối loạn trầm cảm tại một phương dân cư thành phố Hà Nội”, Nội san Tâm Thần học, Hội Tâm thần học, 4(8), trang 130-134.

2. Tôn Thất Hưng (2008)), “ Điều tra dịch tễ các rối loạn tâm thần thường gặp tại xã Hương Xuân - Hương Trà”, Tạp chí Y  học thực hành, Bộ Y tế, số 596, trang 523-530.

3. Trần Viết Nghị (2002), “Tình hình trầm cảm tại một phường thành phố Thái Nguyên”, Nội san Tâm Thần học, Hội Tâm thần học, 4(7), trang 53-57.

4.Nguyễn Viết Thiêm (2001),  “ Lo âu, trầm cảm trong thực hành tâm thần học”, Nội san Tâm Thần học, Hội Tâm thần học, 6(9), trang 31-37.

5. Tổ chức Y tế thế giới (1992), Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi-Mô tả lâm sàng và các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán, Geneve.

6.Nguyễn Việt (2002), “Biểu hiện cơ thể của trầm cảm”, Nội san Tâm Thần học, Hội Tâm thần học, 4(7), trang 19-30.

7.American Psychiatric Association (1996), MINI DSM IV, Critières diagnostiques, (Washington DC, 1994), Traduction française, Masson, Paris.

8.Burt (2002), “Epidemiology of depression throughout the female life cycle”, J-Clin-Psychiatry, 63 Suppl 7: 9-15.

9.Stader (1998), “ Psychosocial antecedents of depressive symptoms: an evaluation using daily experiences methodology”, J-Abnorm-Psychol,107(1): 17-26

10.Thavichachart  (2001), “Epidemiological survey of mental disorders and knowledge attitude practice upon mental health among people in Bangkok Metropolis”, J-Med-Assoc-Thai, Jun; 84 Suppl 1: S118-26.

11.Dabis (1984), Epidémiologie d¢intervention, Arnettte, Paris.

12.Rouillon (1995), Epidémiologie psychiatrique, Dufar, Paris.

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Phổ biến kiến thức bệnh tự kỷ

Lượt truy cập: 1356313
 
Đang trực tuyến: 133