hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA VÀ LỊCH SỬ THAY ĐỔI CHẨN ĐOÁN

Rối loạn lo âu (RLLA) được biết đến rất sớm từ thời Hy Lạp cổ đại, với một dạng bệnh thường gặp mà biểu hiện của nó là cảm giác co thắt và ngột ngạt khó thở. RLLA được cho là những cuộc đấu tranh của tâm hồn, quan niệm này tồn tại hàng chục thế kỷ sau đó. Trong suốt thời gian này lo âu được nói nhiều nhưng chủ yếu trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, văn học. Người ta không chú ý nghiên cứu về bản chất của các cảm xúc mà chỉ tìm cách chế ngự nó [2], [5].

Rối loạn lo âu (RLLA) được biết đến rất sớm từ thời Hy Lạp cổ đại, với một dạng bệnh thường gặp mà biểu hiện của nó là cảm giác co thắt và ngột ngạt khó thở. RLLA được cho là những cuộc đấu tranh của tâm hồn, quan niệm này tồn tại hàng chục thế kỷ sau đó. Trong suốt thời gian này lo âu được nói nhiều nhưng chủ yếu trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, văn học. Người ta không chú ý nghiên cứu về bản chất của các cảm xúc mà chỉ tìm cách chế ngự nó [2], [5].

Đến thế kỷ 19, Morel (1866) đã kết hợp các triệu chứng  rời rạc của lo âu thành tập hợp các triệu chứng có hệ thống và cho rằng sự biến đổi ở hệ thần kinh tự trị là nguyên nhân của các triệu chứng tâm thần và được gọi là “ ảo giác cảm xúc” (emotional delutions) [2].

Vào năm 1871 Jacob DaCosta là người đầu tiên mô tả các triệu chứng tim mạch mạn tính mà không có tổn thương thực thể và có liên quan đến những than phiền về mệt mỏi, lo lắng và buồn phiền [2],[5],[6],[7].

Có lẽ sự kiện có sức thuyết phục nhất trong lịch sử nghiên cứu về lo âu đó là học thuyết của Freud (1894) về chứng suy nhược thần kinh, với mục đích tiếp cận và làm sáng tỏ khái niệm lo âu. Freud đã phân tích chứng suy nhược thần kinh thành hội chứng riêng biệt và gọi là “Lo âu loạn thần kinh chức năng” (anxiety neurosis). Vào thời điểm đó, rối loạn phân ly và rối loạn nghi bệnh cũng được xem là loạn thần kinh chức năng và được cho là có nguồn gốc tâm lý. Quan điểm về bệnh học này đã để lại ảnh hưởng trong một thời gian dài của thế kỷ 20. Theo quan điểm của Freud, trong “lo âu loạn thần kinh chức năng” (anxiety neurosis),  các triệu chứng của lo âu bao gồm cả các triệu chứng cơ thể. Từ những tri thức quý giá của Freud, thuật ngữ “lo âu lan tràn” (free floating anxiety), sau này đổi thành rối loạn lo âu lan tỏa, được hình thành với những đặc điểm nổi bật như: lo âu quá mức, bồn chồn dễ kích thích, lo sợ mạn tính… [1],[2],[5].

Năm 1964, nhà tâm thần học và dược lý học tâm thần Klein đã tách hội chứng lo âu toàn thể  (general anxiety syndrome) thành rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu lan tỏa (RLLALT) dựa trên sự đáp ứng đối với thuốc Imipramin. Theo nghiên cứu của Klein, rối loạn hoảng sợ đáp ứng với Imipramin còn rối loạn lo âu lan tỏa thì không đáp ứng [2],[4],[5].

            RLLA mãn tính lần đầu xuất hiện trong DSM như một “phản ứng lo âu” (DSM-I, APA 1952). Việc sửa đổi thuật ngữ “loạn thần kinh lo sợ” là thể loại chẩn đoán mở rộng cho lo lắng mạn tính và quá mức mà không có hành vi né tránh các tình huống hay đối tượng giới hạn bên ngoài (DSM-II, APA 1968)[1],[3]. Việc chẩn đoán RLLALT bắt đầu với phiên bản thứ 3 của DSM (DSM-III, APA 1980) nhưng chỉ bao gồm như chẩn đoán tồn dư [3]. Hai chẩn đoán mới thay thế cho loạn thần kinh lo sợ là rối loạn hoảng sợ và RLLALT [1],[3]. Chẩn đoán RLLALT yêu cầu có các triệu chứng: lo lắng không dứt, lặp đi lặp lại, căng thẳng, bồn chồn, kích thích lo âu cơ thể, kéo dài ít nhất một tháng (Mennin, Heimberg và Turk 2004) [3]. Tuy nhiên chẩn đoán RLLALT chỉ có thể có nếu các cá thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn chẩn đoán bất kỳ RLLA khác (DSM-III) trong khoảng thời gian này [2],[3].

Khi DSM được sửa đổi lần nữa (DSM-III-R, APA 1987), RLLALT đã trở thành một chẩn đoán riêng rẽ độc lập chứ không phải là một chẩn đoán tồn dư. Trong DSM-III-R, RLLALT được chẩn đoán khi cá thể được báo cáo lo lắng quá mức hoặc không thực tế về ít nhất trong hai lĩnh vực của cuộc sống và được kèm theo ít nhất 6 triệu chứng lo âu từ danh sách có 18 triệu chứng [2],[3]. Danh sách này chứa một mảng đa dạng các triệu chứng cơ thể như căng cơ và triệu chứng nhận thức như gia tăng cảnh giác. Hầu hết các triệu chứng phản ảnh kích thích thần kinh tự trị như nhịp tim nhanh và khó thở. Triệu chứng của RLLALT yêu cầu có mặt ít nhất 6 tháng thay thế cho 1 tháng trong tiêu chuẩn DSM III trước đó [3]. Chẩn đoán RLLALT có thể được thực hiện khi chẩn đoán khác đã hiện diện nếu giả định rằng lo âu và lo lắng hỗ trợ chẩn đoán RLLALT không liên quan đến rối loạn kèm theo. Mặc dù những phiên bản này có khả năng giảm sự lộn xộn trong chẩn đoán tại thời điểm đó, rất nhiều các tiêu chí cụ thể lựa chọn để chẩn đoán RLLALT đã không được ủng hộ bởi các nghiên cứu sau đó [3]. Ví dụ lo lắng không thực tế đã không chứng minh được là một sự phân biệt hữu dụng. Abel và Bokovec (1995) phát hiện rằng các cá nhân mắc RLLALT và các cá thể không lo âu trong nhóm chứng được báo cáo rằng lo lắng của họ là không thực tế ở mức độ tương đương. Ngược lại ghi nhận về kiểm soát được lo lắng, trãi nghiệm lo lắng khó kiểm soát, có sự khác biệt giữa các cá nhân mắc RLLALT với cá thể ở nhóm chứng (Craske, Rapee, Jackel và Barlow 1989) [3]. Hơn nữa nhiều triệu chứng trong 18 triệu chứng cơ thể đã không phản ảnh chính xác sinh lý học và hiện tượng học của RLLALT (Marten, Brow, Barlow, Bokovec và cs 1993) [3]. Khi sinh lý được đo trực tiếp trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, bằng chứng nâng cao kích thích hệ thần kinh tự trị đã không quan sát được (Hoehn-Saric, McLeod và Zimmerli 1989). Thay vào đó sinh lý học RLLALT được đặc trưng bởi sự giảm biến đổi tự phát (Lyonfields, Bokovec và Thayer 1995; Thayer, Freedman và Bokovec 1996)[3] và gia tăng căng thẳng cơ bắp (Hoehn-Saric và cs 1989; Hazlett, McLeod và Hoehn-Saric 1994)[3].

Tiêu chuẩn chẩn đoán RLLALT đã được sửa đổi lần gần đây vào năm 1994 (DSM-IV, APA 1994). Phù hợp với các kết quả nghiên cứu mô tả, thuật ngữ “không thực tế” đã được loại bỏ và thay thế bằng các yêu cầu rằng lo lắng được nhận thức là không thể kiểm soát được [3]. Các nhà thực hành lâm sàng không còn cần thiết xác lập sự hiện diện lo lắng về hai hoặc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Thay vào đó những lo lắng phải được coi là quá mức và vươn đến các hoạt động sống khác nhau [3]. Cuối cùng danh sách của các triệu chứng liên quan yêu cầu cho chẩn đoán thay đổi đáng kể. Triệu chứng kích thích thần kinh tự trị đã được loại bỏ và các triệu chứng còn lại được sắp xếp lại vào danh sách 6 nhóm triệu chứng [3]. Chẩn đoán bây giờ đòi hỏi ít nhất 3 trong 6 triệu chứng lo âu bao gồm bồn chồn, mệt mõi, khó tập trung, căng thẳng cơ bắp và rối loạn giấc ngủ. Yêu cầu sự tồn tại của các triệu chứng trong ít nhất 6 tháng vẫn được giữ lại trong DSM-IV. Như các chẩn đoán khác, các triệu chứng không được do tác động sinh lý trực tiếp của một chất hoặc một tình trạng nội khoa tổng quát [1],[3] và bệnh nhân cần phải trãi nghiệm đau khổ đáng kể trên lâm sàng hoặc suy giảm chức năng. RLLALT vẫn là một thể loại chẩn đoán riêng biệt nhưng lo âu và lo lắng không nên giới hạn vào tính năng của rối loạn ở trục I khác [3]. Hiệp hội tâm thần Mỹ đã cập nhật các văn bản đã công bố trước đây tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV (DSM-IV-TR, APA 2000) mà không sửa đổi tiêu chuẩn chẩn đoán [3] nhưng lại sửa đổi các đề mục phản ảnh các điều tra gần đây về bản chất RLLALT. Đặc biệt là tỷ lệ mắc và nghiên cứu về di truyền được phản ảnh thêm vào trong DSM-IV.

Năm 1988, Tổ chức y tế thế giới (World Health Organization WHO) đã sử dụng DSM-III làm tài liệu tham khảo để soạn thảo Bảng phân loại bệnh và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, phiên bản 10 ban hành vào năm 1992 (The  international classification of disease and related health problems, 10th Revision, ICD-10 1992). Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng ICD-10.

Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV dành cho RLLALT phần lớn tương thích với các tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế hiện tại được thiết lập bởi WHO (ICD-10, WHO 1992). Tuy nhiên có một số khác biệt đáng chú ý có thể được tìm thấy. Trong ICD-10 không yêu cầu lo lắng quá mức và không kiểm soát được hoặc không đòi hỏi lo lắng và lo âu gây đau khổ hoặc suy giảm chức năng về mặt lâm sàng [3]. Các triệu chứng cơ thể liên quan cần thiết để chẩn đoán có chứa rất nhiều các triệu chứng tăng hoạt động thần kinh tự trị đã được loại bỏ khỏi trong phiên bản mới nhất của DSM. Ngược lại với DSM-IV, RLLALT không thể chẩn đoán với ICD-10 khi trầm cảm hoặc RLLA khác được lựa chọn có mặt [3].

Mặc dù một mức độ chấp nhận được về độ tin cậy giữa các biện pháp chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn của DSM-IV và ICD-10 đã được ghi nhận (Stacevic và Bokovic 1999) chỉ có ½ số cá nhân RLLALT đáp ứng tiêu chí ICD-10 cũng nhận được chẩn đoán RLLALT khi áp dụng tiêu chí DSM-IV (Slade và Andrew 2001). Rucio, Lane, Roy-Byrne, Stang và cộng sự (2005) đã kiểm tra tác động cụ thể của tiêu chí lo lắng quá mức của DSM-IV. Sau khi tiêu chí chẩn đoán đặc thù này được loại bỏ, tỷ lệ mắc suốt đời của RLLALT tăng khoảng 40%. Nhìn chung, các nghiên cứu này cho thấy nhiều trường hợp RLLALT có thể được xác định với ICD-10 trong khi tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV xuất hiện chặt chẻ hơn. Hệ thống DSM-IV nhận được sự sử dụng rộng rãi hơn ICD-10 cho chẩn đoán RLLALT [3]./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Nguyễn Hữu Cát (2011), Các rối loạn lo âu và các rối loạn liên quan đến Stress, Bài giảng sau đại học, Trường Đại học Y-Dược Huế.

2. Nguyễn Hữu Kỳ (2013), Rối loạn lo âu, Giáo trình tâm thần học, Trường Đại học Y-Dược Huế, tr. 93-214.

Tiếng Anh

3. Hazlett-Stevens. H (2008), Psychological Approaches to Generalized Anxiety Disorder - A Clinician’s Guide to Assessment and Treatment, Springer Science, New York, p.1-7. 

4. Reinhold J.A. Et al. (2011), Pharmacologycal treatment of generalized anxiety disorder, Expert opin pharmacother 2011 nov;12(16):2457-2467.

5. Stein D.J. (2009), Textbook of Anxiety Disorders, Second Edition Part II Generalized Anxiety Disorder, American Psychiatric Publishing, Inc., p.159-238.

6. Stein M.B., Sareen J. (2014), The American psychiatric Publishing textbook of psychiatry, Sixth Edition Chapter 12 Anxiety Disorder, p. 391-430, https://books.google.com.vn

7. Yates WR., Bienenfeld D. (2015), Anxiety disorders, URL:http://emedicine.medscape.com/article/

BSCKII. NGUYỄN ĐĂNG NGUYÊN

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng trong xã hội

Lượt truy cập: 1011680
 
Đang trực tuyến: 88