hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Lạm Dụng Chất Kích Thích: Nguy Hiểm Cho Tâm Thần Và Thể Lực

Các thuốc kích thích trong tâm thần được phát hiện từ tác dụng gây ảo giác của cocaine ( 1884 ), từ đó amphetamine được tổng hợp năm 1887 và khi thay đổi cấu trúc hoá học cho ra nhiều chất kích thích khác.

Ngày nay một vài loại thuốc kích thích được dùng điều trị chứng giảm khả năng tập trung chú ý – gia tăng hoạt động (ADHD ) và ngủ rũ ( narcolepsy) ở trẻ em, nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra có một vài nghiên cứu sử dụng các thuốc kích thích trong một vài trường hợp trầm cảm và OCD nhưng hiệu quả không rõ, nhiều tác dụng phụ, gây lạm dụng và nghiện. Nghiên cứu trên người lạm dụng, nghiện amphetamine, tỷ lệ có các rối loạn tâm thần là 66%.

Những năm gần đây xuất hiện sự gia tăng báo động việc lạm dụng các chất kích thích ở tuổi trẻ trong quán bar, vũ trường nhằm đạt cảm giác hưng phấn, tăng hoạt động trong trạng thái ảo giác.

Các tụ điểm ăn chơi là nơi ưa thích cho việc sử dụng ma túy, chất kích thích. Ảnh minh họa.

 Do không biết chắc chắn nguồn gốc, thành phần tác động dược học, các hoá chất dùng trong quá trình tổng hợp và khả năng lây nhiễm nên các chất kích thích gây tổn hại trầm trọng đến hệ thần kinh trung ương , đến hoạt động tâm thần, đến sức khoẻ và có thể bị đột tử.

Nếu sử dụng chung với rượu, chúng còn nguy hiểm hơn, và đã có cảnh báo khuynh hướng dùng để trụy lạc, lường gạt cưỡng hiếp, … Các chất kích thích lưu hành bất hợp pháp hiện nay được dân chơi gọi là thuốc “lắc”. Chúng bao gồm các loại sau :

1.    Methylenedioxymethamphetamine ( MDMA ) : tên tiếng lóng : Ecstasy, XTC, X, Adam, Clarity, Lover’s Speed.

Ảnh: Internet

Công thức hoá học giống amphetamine và chất gây ảo giác mescaline. Khi thay đổi công thức cho ra các tên MDA, MDEA, PMA.

Tác dụng kích thích và thay đổi cảm giác sau uống 3 – 6 giờ, tiếp theo là biểu hiện buồn bã lo âu trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Làm tim đập nhanh, huyết áp tăng và cảm giác tỉnh nhưng  tăng thân nhiệt với từng cơn nóng bừng và do đó có hành vi bức bách thoát khỏi nóng, biểu hiện mê dại với môi trường ( âm thanh , ánh sáng màu ,.. ). Có thể dẫn tới suy gan, suy thận và suy tim ; hậu quả rất nguy hiểm khi dùng nhiều lần trong thời gian ngắn do chuyển hoá tương tác của MDMA. Đồng thời gây mất nước, tác động tới nội tiết điều hòa lượng sodium, giảm natri, rối loạn điện giải.

Nghiên cứu trên súc vật, MDMA làm hư hại tế bào thần kinh phóng thích serotonin. Ơ người, dùng MDMA nhiều lần làm tổn hại phần não bộ liên quan quá trình trí nhớ. Trên não chuột mới sinh gây tổn hại vùng hiểu biết và trí nhớ, vùng này tương đương với não bộ thai nhi ở ba tháng cuối thai kỳ.

2.    Gamma – hydroxybutyrate ( GHB ) : tên tiếng lóng : Grievous, Bodily Harm, G, Liquid Ecstasy, Georgia Home Boy.

Ảnh: Internet

Hình thức : dạng nước trong, bột trắng, viên nén, viên nhộng, dùng với rượu rất nguy hiểm. Thường được lạm dụng để cưỡng hiếp, để đầu độc, v.v… Giới trẻ thích dùng trong hộp đêm, trong cơn say cuồng dại – và trong giới đồng tính luyến ái nam.

Được dùng an thần, để tạo đặc tính khoái cảm hoặc để tăng hiệu quả phóng thích nội tiết tố tăng trưởng. GHB ức chế hệ thần kinh trung ương, gây độc sau 10 – 20 phút uống, kéo dài 4 giờ tuỳ liều lượng. Liều cao gây ngủ, hôn mê, có thể tử vong.

GHB có thể biến đổi trong cơ thể thành GBL và BD, hai sản phẩm này được rao bán trên Internet, quầy thuốc bán lẻ ( có tên hiệu  do đó dễ gây hiểu lầm và lạm dụng rất tai hại ).

Thải trừ tương đối nhanh ( khoảng 2 giờ). Tháng 7 / 2002 FDA đã phê duyệt giám sát y khoa việc sử dụng GHB điều trị mất trương lực cơ trong bệnh ngủ rũ.

3.    Ketamine : tên tiếng lóng : Special K, K, Vitamin K, Cat.

Ảnh: Internet.

Là chất gây mê dùng đường chích, hít và hút. Được phép sử dụng cho động vật và trên người từ 1970. 90 % Ketamin lưu hành  hiện nay dùng trong thú y.

Dùng nhiều lần có phản ứng tương tự như phencyclidine (PCP)   gây trạng thái huyền ảo, thay đổi nhận thức, gây ra các ảo giác. Liều  ngộ độc gây giảm khả năng chú ý, hiểu biết và trí nhớ. Nặng hơn có thể mê sảng, quên, trầm cảm, giảm vận động, cao huyết áp và bệnh lý hô hấp trầm trọng.

Ketamin dạng nước hay bột trắng dùng ngửi, hút với marijuana (cần sa ) hoặc thuốc lá. Ơ một vài thành phố ( Hoa kỳ ) có dạng chích tĩnh mạch.

4.    Rohynol : tên tiếng lóng : Roofies, Rophies, Roche, Forget – me Pill.

Ảnh: Internet.

 Tên gốc flunitrazepam, là thuốc trong nhóm an thần benzodiazepine, tại Hoa kỳ không được phép kê toa, ở một số nước khác được dùng điều trị mất ngủ và dùng trong tiền mê.
Rohypnol không mùi vị, dễ hoà tan trong nước uống có gaz. Tác dụng an thần và ngộ độc nặng thêm khi dùng chung với rượu. 1mg Rohypnol có thể làm mất sức  từ 8 – 12 giờ.

Thường dùng dạng uống, có cả dạng ngửi. Gây quên thuận chiều trầm trọng, (không nhớ những gì xảy ra từ thời gian dùng thuốc) . Có nhiều báo cáo thuốc này được sử dụng nhằm cưỡng hiếp phụ nữ.

Tác hại khác bao gồm hạ huyết áp, uể oải, rối loạn thị giác, chóng mặt, lú lẫn, rối loạn tiêu hoá và bí tiểu.

5.    Methamphetamine : tên tiếng lóng : Speed, Ice, Chalk, Meth, Crystal, Crank, Fire, Glass.

Ảnh: Internet.

Là một chất độc gây nghiện kích thích, tác hại trên một số vùng thần kinh trung ương. Chế biến lậu từ các thành phần rẻ tiền, dễ bị pha trộn chất kích thích khác. Có dạng hút, ngửi, chích và uống, màu trắng không mùi vị đắng, bột trong dễ hoà tan trong nước uống. Thường được dùng chung với cocain/crack, marijuana, heroin, rượu, rất nguy hiểm.

Gây độc thần kinh làm biến đổi rõ rệt chất vận chuyển dopamine và các thụ thể ; mất trí nhớ, dễ kích thích gây hấn tấn công người khác, có hành vi loạn tâm thần, kích động lời nói, tăng mức độ hoạt động. Đồng thời gây tổn thương tim, ăn mất ngon.


6.    Lysergic Acid Diethylamide ( LSD ) : tên tiếng lóng : Acid, Boomer Yellow, Sunshines.

Ảnh: Internet.

Gây ảo giác dẫn tới nhận thức cảm giác bất thường, không thể đoán trước dùng bao nhiêu sẽ bị nghiện, tuỳ vào môi trường sử dụng, tuỳ nhân cách, khí sắc và toan tính của người dùng.

Có dạng viên nén, viên nhộng và dung dịch, dạng giấy thấm. 30 – 90 phút sau khi dùng sẽ dãn đồng tử, sốt, tăng nhịp tim, huyết áp, vã mồ hôi, không ăn ngủ được, run rẩy, tê cóng, khô miệng và nôn ói.

Tác dụng kéo dài về tâm thần là các triệu chứng loạn thần và rối loạn nhận thức, ảo giác, dân chơi gọi là “flashbacks”.

Chỉ định thuốc kích thích trong điều trị bệnh tâm thần rất hạn chế, chẩn đoán đúng và bác sĩ phải được huấn luyện theo dõi đánh giá hiệu quả, các tác dụng phụ, hậu quả ngộ độc và tương tác thuốc.

Đối với người lạm dụng các chất kích thích, ngoài định lượng nồng độ các chất kích thích trong nước tiểu, trong máu có thể quan sát nhận biết các biểu hiện như sau:

Kích thích, nói nhiều, ăn ít mà tăng hoạt động. Triệu chứng chung: dãn đồng tử, tăng huyết áp, tim đập không đều, hơi thở ngắn, buồn nôn, ói, tiêu chảy và tăng thân nhiệt;

Có khi đột ngột gây hấn, có ý tưởng hoang tưởng, ảo thị, ảo thanh, khó ngủ từng đợt ;

Có khuynh hướng ám ảnh quần áo phải sạch sẽ, chỉnh tề, làm đi làm lại một việc nào đó.

Tóm lại, đừng vì một “nhu cầu” nào đó mà tự sử dụng các thuốc trên để rồi bị lệ thuộc, bị nghiện và nếu lạm dụng để “lắc” thì  trước mắt và lâu dài đều nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là các hoạt động tâm thần,  cho đời sống tinh thần và đạo đức con người. Nhưng tại sao giới trẻ lạm dụng là một vấn đề lớn xuất phát từ yếu tố quan tâm chăm sóc trước hết là của gia đình và của xã hội và quan trọng hơn là từ sự nhận thức sai trái về giá trị cuộc sống của lớp trẻ.

DS.Hồng Thị Minh Hương (Sưu tầm)

Nguồn: Bs Phạm Văn Trụ, Phó GĐ BVTT Thành phố Hồ Chí Minh

http://bvtt-tphcm.org.vn/lam-dung-chat-kich-thich-nguy-hiem-cho-tam-than-va-the-luc/

Tài liệu tham khảo:

National Institue on Drug Abuse ( NIDA  ) ; http://www.clubdrugs,org – National Institutes of Health ( NIH ) – U.S. Department of Health and Human Services  và Textbook of Psychopharmacologiy. Second Edition. 1998. American Psychiatric Press.Trang 509 – 517.

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Bệnh trầm cảm - dấu hiệu và phương pháp điều trị

Lượt truy cập: 1032893
 
Đang trực tuyến: 70