hotline Đường Dây Nóng:  0234 588 827
Bộ y tế
Bộ tư pháp
Cổng thông tin điện tử
Viện giám định
BV Tâm thần
Bênh viện Trung Ương
Sở tư pháp
Sở Y Tế
Bệnh viện tâm thần
Trường Đại học Y Dược Huế
Thông tin Y học Việt Nam
 

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến Bệnh Tâm thần phân liệt Thể Paranoid

Tâm thần phân liệt thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, khuynh hướng tiến triển mạn tính, dẫn đến tình trạng khó thích ứng. Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, Bệnh Tâm thần phân liệt được chia làm nhiều thể: thể paranoid, thể đơn thuần, thể thanh xuân, thể không biệt định... Trong đó, Thể Paranoid chiếm tỷ lệ cao nhất từ 40,7% đến 65% tổng số bệnh nhân.
 
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
ĐẾN BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT THỂ PARANOID
 
ThS.BS.Tôn Thất Hưng*
BSCKII.Ngô Đình Thư*
BSCKI.Nguyễn Ngọc Thượt*
BSCKI.Hoàng Thị Anh Đào*
BSCKI.Châu Văn Hậu*
BS.Nguyễn Đăng Nguyên*,
CN.Nguyễn Khoa Thanh Sơn*
BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Nở**
*Bệnh viện Tâm thần Huế 
** Sở Y tế Thừa Thiên- Huế  

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá đặc điểm lâm sàng của bệnh tâm thần phân phân liệt thể paranoid  đươc điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế và xác định một số yếu tố liên quan.
 
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thuần tập tiến cứu, kết hợp với hồi cứu trên 111 bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid được chẩn đoán theo ICD 10, được điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế

Kết quả

  • Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu: Tuổi trung bình: 34,54±10,53; gặp nhiều nhất: giới nam: 54,1%, nơi cư trú nông thôn: 67,6%, chưa có gia đình: 64%, tuổi khởi bệnh trung bình: 26,14 ± 8,89, thời gian mắc bệnh 1-5 năm: 67,5%, triệu chứng khởi phát: rối loạn giấc ngủ: 93,7%, ảo thanh bình phẩm: 45%, hoang tưởng bị truy hại: 69,4%, cảm xúc không ổn định: 68%, kích động: 64,9%, giảm khả năng hoạt động xã hội: 79,3%.
  • Yếu tố liên quan: Yếu tố nguy cơ: gia đình có người mắc tâm thần phân liệt, bệnh nhân có sang chấn tâm lý. Yếu tố bảo vệ: bệnh nhân đã được quản lý theo Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, gia đình dung nạp bệnh nhân mức độ khá.

Kết luận: Là thể bệnh phổ biến nhất của bệnh tâm thần phân liệt, với các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác nổi bật, yếu tố nguy cơ là gia đình có người mắc bệnh tâm thần phân liệt (p<0,001), yếu tố bảo vệ là sự dung nạp tốt của  gia đình(p<0,001). Cần phát hiện bệnh sớm với đầy đủ các triệu chứng để chọn phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

 Bệnh tâm thần phân liệt  là một bệnh tâm thần nặng, tiến triển mãn tính và hay tái phát, gặp ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới và tỷ lệ mắc khác nhau. Theo WHO, tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ từ 0,6- 1,5% dân số. Ở Việt Nam, theo điều tra tại 8 vùng sinh thái khác nhau, tâm thần phân liệt chiếm  0,47% dân số. Một số nghiên cứu tại các địa phương cho thấy, tại Hà Tây, có 0,62% dân số; tại Đà Nẵng, có 0,65 % dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt. Điều tra tại phường Xuân Phú- TP Huế (2007), chúng tôi thấy, tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,32%.

Trong các thể của bệnh tâm thần phân liệt, theo nhiều tác giả trên thế giới, thể paranoid là phổ biến nhất, chiếm nhiều tỷ lệ khác nhau, khoảng từ 40- 80,6% tổng số bệnh nhân. Ở nước ta, theo Nguyễn Viết Thiêm, tỷ lệ này là 65% tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt, theo Ngô Ngọc Tản, gần 50% và theo Trần Văn Cường là 45,1%.

Thể bệnh này đặc trưng bởi các hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng. Hoang tưởng trong tâm thần phân liệt thể paranoid thường gặp là hoang tưởng bị theo dõi, bị chi phối, bị hại..., còn ảo giác thính giác hay gặp trong thể bệnh này là ảo thanh bình phẩm, ảo thanh ra lệnh, tiếng người trò chuyện với bệnh nhân hoặc nói chuyện về một người thứ ba nào đó. Rối loạn cảm xúc, ngôn ngữ và các triệu chứng khác là thứ yếu, không nổi bật.

Nghiên cứu về lâm sàng bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid mãi là một vấn đề mang tính thời sự, vì những rối loạn về nội dung và hình thức của các hoang tưởng, ảo giác trong bệnh lý này luôn biến động theo thời gian, mang tính đặc thù văn hóa, tôn giáo của vùng miền, theo sự tiến bộ của nền y học, đặc biệt là sự phát triển không ngừng của các thuốc an thần kinh và luôn mang tính thời đại sâu sắc. Nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng của bệnh tâm thần phân liệt, Kaplan H.I., Scully P.J., Sadock B.J., cho rằng, hoang tưởng trong tâm thần phân liệt mang màu sắc văn hoá, xã hội thời đại.

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt chưa được biết rõ, tuy nhiên, có một số yếu tố ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển của bệnh như di truyền, môi trường, chấn thương tâm lý…Trong khi Bray N.J. nhấn mạnh vai trò của di truyền trong bệnh căn của tâm thần phân liệt, Harrion G. cho rằng, môi trường sống là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của bệnh thì  Cooper B. lại quan niệm rằng, nguyên nhân của các rối loạn tâm thần trong tâm thần phân liệt vẫn  do cả hai yếu tố: di truyền và môi trường, chúng tác động qua lại lẫn nhau gây nên.

Ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt thể  paranoid tại một số địa phương. Thừa Thiên – Huế, nơi mang đậm bản sắc văn hóa của miền đất cố đô Việt Nam, có rất ít công trình nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid; hơn nữa, nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid mang tính đặc thù địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm, góp phần điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Nhận thấy đây là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành tâm thần tỉnh nhà, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài trên nhằm các mục tiêu sau:

  1. Mô tả đặc điểm lâm sàng của bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế.
  2.  Xác định một số yếu tố liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid.

2.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu lâm sàng trên 111  bệnh nhân được chẩn đoán là tâm thần phân liệt (TTPL) thể paranoid (F 20.0) theo tiêu chuẩn của ICD-10 ( Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10) (1992) và người giám hộ. Bệnh nhân được điều trị  nội trú tại Bệnh viện Tâm thần  Huế.

2.1.2. Thời gian lấy mẫu nghiên cứu

Từ tháng 01 năm 2010 đến tháng 11 năm 2011.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu

  • Sử dụng phương pháp nghiên cứu thuần tập tiến cứu (prospective study),  phân tích từng trường hợp theo chiều dọc từ lúc nhập viện đến khi xuất viện.
  • Phân tích kỹ từng trường hợp bệnh và mô tả lâm sàng.

2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ

Những bệnh nhân mắc các bệnh thực tổn của não hay có di chứng các bệnh của não - màng não, bệnh nhân động kinh, bệnh nhân nghiện ma tuý hay các chất tác động tâm thần xuất hiện sau bệnh TTPL thể  paranoid.

2.2.3. Cách chọn mẫu và cỡ mẫu nghiên cứu

Mẫu thuận tiện: Chúng tôi chọn 111 bệnh nhân TTPL thể paranoid tham gia vào nghiên cứu.

2.2.4. Cách thức tiến hành nghiên cứu và thu thập số liệu

  • Lập hồ sơ bệnh án với cấu trúc chuyên biệt phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, lập bảng câu hỏi.
  • Phỏng vấn trực tiếp người bệnh và người nhà của bệnh nhân để khai thác tiền sử, bệnh sử của bệnh nhân.
  • Khám lâm sàng trực tiếp tại thời điểm bệnh nhân vào viện và theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị nội trú.

2.2.5. Phương pháp xử lý số liệu, phân tích và đánh giá kết quả

Tổng hợp kết quả bằng phương pháp thống kê toán học, các số liệu được xử lý bằng chương trình phần mềm  SPSS, phiên bản 11.5.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

3.1.1.Độ tuổi 

Bảng 3.1. Phân độ tuổi của bệnh nhân nghiên cứu

Độ tuổi

n

%

p

< 18

3

2,8

> 0,05

≥ 18-30

46

41,4

31- 45

44

39,6

> 45

18

16,2

Cộng

111

100,0

 

         Tuổi trung bình : 34,54 ± 10,53

Nhóm tuổi từ 18-30 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (41,4%), đây là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Kaplan H.I. cho rằng, mặc dù TTPL hay phát bệnh ở lứa tuổi trẻ, nhưng nhờ có thuốc an thần kinh và chất lượng cuộc sống đảm bảo nên họ cũng có tuổi thọ khá cao. Nhiều bệnh nhân sống hàng chục năm sau khi phát bệnh. Đấy là lý do khiến tuổi của bệnh nhân TTPL  phân bố với các tỷ lệ khác nhau tại các nhóm tuổi. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Bùi Tiến Dũng. 

3.1.2. Giới

Bảng 3.2.   Giới của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Giới

n

%

p

Nam

60

54,1

> 0,05 

Nữ

51

45,9

Cộng

111

100,0

 

Tỷ lệ nam cao hơn nữ (54,1%). Theo y văn, ở bệnh nhân TTPL, không có sự khác nhau về giới khi nghiên cứu ở cộng đồng; tuy nhiên, khi nghiên cứu ở bệnh nhân nội trú, cho thấy tỷ lệ ở bệnh nhân nam cao hơn nữ.

3.1.3. Nơi cư trú

Bảng 3.3.  Nơi cư trú của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Nơi cư trú

n

%

p

Nông thôn

75

67,6

    < 0,001

Thành thị

34

30,6

Miền núi

2

1,8

Cộng

111

100,0

 

Nhóm bệnh nhân sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao nhất 67,6%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư ở Việt Nam (nông dân chiếm 80% dân số).

3.1.4. Tình trạng hôn nhân

Bảng 3.4. Tình trạng hôn nhân của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Tình trạng hôn nhân

n

%

p

Có gia đình

32

28,8

< 0,001

Chưa có gia đình

71

64,0

Ly hôn, ly thân

4

3,6

Góa

4

3,6

Cộng

111

100,0

 

Nhóm bệnh nhân là người chưa có gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất với 64%. Nhiều tác giả như Philip G., Gelder M., Kaplan H.I., cho rằng, chính bệnh TTPL đã làm cho bệnh nhân bị biến đổi nhân cách, sống lập dị, ít tiếp xúc với xung quanh. Vì thế, họ khó lập gia đình, phải sống độc thân. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã xây dựng gia đình trước khi khởi phát bệnh. Điều này cũng dễ hiểu vì thể paranoid của TTPL khởi phát muộn, đặc biệt ở các bệnh nhân nữ.

3.2. Đặc điểm lâm sàng tâm thần phân liệt thể paranoid.

3.2.1. Đặc điểm một số triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid.

3.2.1.1. Thời gian mắc bệnh

Bảng 3.5. Thời gian mắc bệnh của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Thời gian (năm)

n

%

p

≤1

11

9,9

         < 0,001

1-5

75

67,5

>5-10

22

19,8

> 10

3

2,8

Cộng

111

100

 

Thời gian mắc bệnh 1- 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất 67,5%. Kết quả này phù hợp với lứa tuổi bệnh nhân, đa số bệnh nhân ở lứa tuổi trên 30. Điều này cho thấy, đa số bệnh nhân đều đến chữa bệnh sớm, do ở Thừa Thiên-Huế, Dự án Quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng (DAQGBVSKTTCĐ) đã được triển khai khá tốt trong thời gian qua.

3.2.1.2.Tuổi khởi bệnh chung

Bảng 3.6. Tuổi khởi bệnh chung của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Độ tuổi

n

%

< 18

16

14,4

≥ 18-30

62

55,9

31- 45

29

26,1

> 45

4

3,6

Cộng

111

100,0

 

         Tuổi khởi bệnh chung trung bình : 26,14 ±   8,89

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhóm bệnh nhân có tuổi khởi phát bệnh 18-30 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (55,9%). Theo Kaplan H.I., tuổi khởi phát của bệnh nhân TTPL thường tập trung vào độ tuổi 15-35 tuổi (50% khởi phát trước tuổi 25), thể paranoid có tuổi khởi phát xung quanh độ tuổi 30. Nghiên cứu của La Đức Cương cho biết, bệnh TTPL  paranoid chủ yếu khởi phát ở lứa tuổi trước 35, chiếm tỷ lệ 82%.

3.2.1.3.Tuổi khởi bệnh theo giới tính

Bảng 3.7. Tuổi khởi bệnh theo giới tính

Giới

Nam

Nữ

p

Độ tuổi

n

%

n

%

< 18

6

10

9

17,6

>0,05

≥ 18-30

42

70

21

41,2

31- 44

12

20

19

37,3

≥ 45

0

0

2

3,9

Cộng

60

100

51

100,0

 

Tuổi khởi bệnh trung binh nam:  24,90 ± 7,66, thấp hơn  nữ : 27,59 ± 10,03. Khởi bệnh nhiều nhất ở độ tuổi ≥ 18-30 (nam 70%, nữ 41,2%). Tương tự với chúng tôi, Berratis S., Gabriel J., cho biết, tuổi khởi phát của TTPL paranoid ở nam giới sớm hơn so với nữ , và khởi phát ở  nam trước 30 tuổi là 70%.

3.2.1.4. Triệu chứng khởi đầu

Bảng 3.8. Triệu chứng khởi đầu của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Triệu chứng khởi đầu

n

%

p

Mất ngủ

104

93,7

>0,05

Rối loạn ăn uống

83

74,8

>0,05

Bồn chồn lo lắng

88

79,3

<0,001

 

Các rối loạn hay gặp là rối loạn giấc ngủ (93,7%). Nguyễn Văn Tuấn cũng cho số liệu tương tự. Theo Nguyễn Việt và Kerbicop O.V., trước khi bùng nổ trạng thái loạn thần, bệnh nhân thường có những giai đoạn tiền triệu ngắn trong một vài ngày, hiếm khi bệnh phát sinh đột ngột lúc đang hoàn toàn lành mạnh về tâm thần và cơ thể.

3.2.1.5. Tần suất xuất hiện các ảo giác

Bảng 3.9. Tần suất xuất hiện các ảo giác của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Ảo giác

n

%

p

Ảo thanh thô sơ

8

7,2

>0,05

Ảo thanh bình phẩm

50

45,0

>0,05

Ảo thanh ra lệnh

46

41,4

<0,05

Ảo thanh đàm thoại

47

42,3

>0,05

Ảo thanh đe dọa

39

35,1

>0,05

Ảo thị

8

7,2

<0,05

Ảo giác nội tạng

1

0,9

>0,05

Ảo giác khác

2

1,8

<0,01

 

Gặp nhiều nhất vẫn là ảo thanh; trong đó, ảo thanh bình phẩm gặp nhiều nhất (45%). Theo ICD 10, ảo thanh bình phẩm có một ý nghĩa quan trọng, là một trong những triệu chứng hàng đầu chẩn đóan TTPL.

Về ảo giác, các nhà tâm thần học đều cho rằng, đây là triệu chứng loạn thần rất quan trọng trong TTPL, có giá trị chẩn đoán tương đương với hoang tưởng. Với TTPL thể paranoid, các ảo giác là triệu chứng rất phổ biến.

Bệnh nhân TTPL thể paranoid có thể chỉ có hoang tưởng, chỉ có ảo giác, nhưng rất nhiều bệnh nhân có kết hợp cả ảo giác và hoang tưởng. Theo tác giả Sadock B.J., ảo giác và hoang tưởng chi phối cảm xúc, hành vi của bệnh nhân. Trong một chừng mực nào đó, ảo giác đã ảnh hưởng tới nội dung của hoang tưởng.

3.2.1.6. Tần suất xuất hiện các hoang tưởng

Bảng 3.10. Tần suất xuất hiện các hoang tưởng

Hoang tưởng

n

%

p

Liên hệ

7

6,3

>0,05

Bị truy hại

77

69,4

<0,001

Bị chi phối

15

13,5

>0,05

Bị xâm nhập

27

24,3

<0,05

Khuếch đại

23

20,7

<0,001

Được yêu

7

6,3

<0,01.

Kỳ quái

5

4,5

<0,05.

Gán ý

1

0,9

>0,05

Tôn giáo

1

0,9

>0,05

 

Hoang tưởng bị truy hại gặp nhiều nhất, nội dung chủ yếu do ma quỷ, người đã chết trong gia đình gây ra  (69,4%). Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Soyka M., 80% bệnh nhân TTPL có hoang tưởng bị hại. Chúng tôi không gặp trường hợp hoang tưởng ghen tuông nào. Hoang tưởng là những triệu chứng hay gặp trong TTPL thể paranoid. Nội dung hoang tưởng rất phong phú,  phụ thuộc vào thời đại mà bệnh nhân đang sống,  vào trình độ học vấn,  văn hóa, tôn giáo, môi trường, nghề nghiệp, sự phát triển,  sự giáo dục. Mohamed S. cho rằng,  hoang tưởng của bệnh TTPL  bao giờ cũng là sự phản ánh của thời đại.

3.2.1.7. Rối loạn cảm xúc

Bảng 3.11. Rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc

n

%

Trầm cảm

14

12,6

Hưng cảm

12

10,8

Cảm xúc không ổn định

76

68,3

 

Gặp nhiều nhất là cảm xúc không ổn định (68,3%). Các rối loạn cảm xúc này  do ảo giác và hoang tưởng tác động, nên trong bệnh TTPL, rối loạn cảm xúc thường là hậu quả của ảo giác và hoang tưởng. Nguyễn Viết Thiêm cho biết,  75% bệnh nhân TTPL paranoid có cảm xúc không ổn định.

3.2.1.8.Các triệu chứng dương tính khác

Bảng 3.12. Các triệu chứng dương tính khác

Các triệu chứng dương tính khác

n

%

Tư duy vang thành tiếng, bị bộc lộ, bị đánh cắp

4

3,6

Tư duy ngắt quãng

9

8,1

Kích động

72

64,9

Sững sờ, căng trương lực

3

2,7

Tăng hoạt động, tăng vận động

67

60,4

Giảm hoạt động, mất vận động

17

15,3

Cơn đi lang thang

51

45,9

Ý tưởng và hành vi tự sát

2

1,8

 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, kích động chiếm nhiều nhất 64,9%. Phần lớn những rối loạn này do ảo giác, hoang tưởng chi phối. Các hành vi này không phản ánh kinh nghiệm sống của người bệnh trước đây, cũng như không phù hợp với hoàn cảnh. Bệnh càng nặng hành vi của bệnh nhân càng trở nên dị kỳ, khó hiểu.

3.2.1.9.Triệu chứng âm tính

Bảng 3.13. Triệu chứng âm tính

Triệu chứng âm tính

n

%

Cảm xúc cùn mòn, bàng quan

6

5,4

Ngôn ngữ nghéo nàn, tư duy chậm chạp

26

23,4

Lãnh đạm, thiếu ý chí

23

20,7

Thu hẹp các thích thú

50

45,0

Giảm khả năng hoạt động xã hội

88

79,3

Không quan tâm vệ sinh cá nhân

35

31,5

 

Các triệu chứng âm tính tiến triển đồng thời với các triệu chứng dương tính, thường gặp nhất là giảm khả năng hoạt động xã hội (79,3%); cảm xúc cùn mòn, bàng quan chỉ găp 5,4%, phù hợp với TTPL thể paranoid, các triệu chứng âm tính nặng không nổi bật. Nguyễn văn Ngân cũng cho số liệu tương tự.

3.3. Một số yếu tố liên quan đến nhóm bệnh nhân nghiên cứu.

3.3.1.Yếu tố gia đình, yếu tố tâm lý

Bảng 3.14. Yếu tố gia đình, yếu tố tâm lý

Yếu tố gia đình, yếu tố tâm lý

n

%

p

Gia đình mắc TTPL

21

18,9

<0,001

Bệnh nhân có sang chấn tâm lý

18

16,2

>0,05

 

Đây là hai yếu tố nguy cơ làm khởi phát hoặc tái phát bệnh:

  • Gia đình có người mắc TTPL: 18,9%. Theo y văn, bệnh TTPL thể paranoid ít liên quan đến yếu tố di truyền so với bệnh TTPL nói chung. Vì vậy, kết quả này là hợp lý nếu so sánh với 24,14% bệnh nhân TTPL có yếu tố gia đình theo điều tra của chúng tôi tại xã Lộc Tiến- Phú Lộc và với nghiên cứu của Trần Viết Nghị: 21,7% bệnh nhân TTPL có ít nhất một người thân bị bệnh TTPL.
  • Bệnh nhân có sang chấn tâm lý chiếm tỷ lệ thấp 16,2%, phù hợp với nhận định của Lã Thị Bưởi khi tác giả cho rằng, khả năng thiếu thích ứng với các sang chấn tâm lý không đóng vai trò quyết định mà chỉ góp phần thúc đẩy bệnh phát sinh. Theo Kerbikop O.V., bệnh TTPL thường khởi phát hoặc tái phát sau chấn thương tâm lý, nhiễm khuẩn hoặc sau sinh.

3.3.2.Quá trình điều trị trước khi nhập viện

Bảng 3.15. Quá trình điều trị trước khi nhập viện

Điều trị trước khi nhập viện

n

%

p

Không điều trị, chỉ cúng bái

25

22,6

>0,05

Điều trị tư

34

30,6

Quản lý theo DAQGBVSKTTCĐ

52

46,8

Cộng

111

100,0

 

Số quản lý theo DAQGBVSKTTCĐ chiếm tỷ lệ cao nhất (46,8%), đây là yếu tố bảo vệ bệnh nhân chống  tái phát.

3.3.3.Mức độ dung nạp của gia đình

Bảng 3.16. Mức độ dung nạp của gia đình

Dung nạp

n

%

p

Tốt

27

24,3

<0,001

Khá

67

60,4

Trung bình

14

12,6

Kém

3

2,7

Cộng

111

100,0

 

Dung nạp của gia đình đối với bệnh nhân đạt loại khá chiếm tỷ lệ cao nhất (60,4%), đây cũng là yếu tố bảo vệ bệnh nhân chống tái phát. Phải chăng có sự liên quan giữa thời gian mắc bệnh ngắn của bệnh nhân (67,5%  mới mắc 1-5 năm, bảng 3.5), tỷ lệ điều trị cao (cả điều trị tư và quản lý theo Dự án) trước khi nhập viện (77,4%) (bảng 3.15) và sự dung nạp khá, tốt của gia đình (84,7%) (bảng 3.16). Chúng tôi sẽ có dịp trở lại nghiên cứu vấn đề này trong các đề tài sau.

4. KẾT LUẬN

4.1.Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu:

  • Tuổi trung bình của nhóm bệnh nghiên cứu: 34,54 ± 10,53.
  • Tuổi khởi bệnh trung bình chung cho cả hai giới: 26,14 ± 8,89; nam: 24,90 ± 7,66;  nữ : 27,59 ± 10,03.
  • Gặp nhiều nhất:
    • Độ tuổi ≥ 18-30: 41,4%.
    • Giới: Nam: 54,1%.
    • Nơi cư trú là nông thôn: 67,6%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
    • Chưa có gia đình: 64%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
    • Tuổi khởi bệnh trung bình: 18-30: chung cho hai giới: 55,9%; nam: 70%; nữ: 42,1%.
    • Thời gian mắc bệnh:1-5 năm: 67,5%.
    • Triệu chứng khởi phát: rối loạn giấc ngủ: 93,7%
    • Ảo giác: ảo thanh bình phẩm: 45%.
    • Hoang tưởng: bị truy hại: 69,4%, sự khác biệt  có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
    • Rối loạn cảm xúc: cảm xúc không ổn định: 68%.
    • Triệu chứng dương tính khác ngoài hoang tưởng, ảo giác: kích động: 64,9%.
    • Triệu chứng âm tính: giảm khả năng hoạt động xã hội: 79,3%.

4.2. Một số yếu tố liên quan đến tâm thần phân liệt thể paranoid:

  • Yếu tố nguy cơ khởi phát hoặc tái phát bệnh: gia đình có người mắc tâm thần phân liệt (p<0,001), bệnh nhân có sang chấn tâm lý.
  • Yếu tố bảo vệ chống tái phát: bệnh nhân đã được quản lý theo  Dự án Quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng trước khi nhập viện, gia đình dung nạp bệnh nhân mức độ khá (p<0,001).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thanh Bình (2006), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và nồng độ Dopamine huyết tương ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid”, Luận văn Tiến sĩ y học, Học viện Quân Y, Hà Nôi.
  2. La Đức Cương (2003), “Nghiên cứu tiến triển của bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid sau khi can thiệp đặc biệt”,  Nội san số đặc biệt chào mừng 40 năm thành lập Bệnh viện Tâm tâm thần Trung ương, Bệnh viên Tâm thần Trung ương - Bộ Y tế, trang 22-26.
  3. Trần Văn Cường (1998), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và các nhân tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần phân liệt trong giám định pháp y tâm thần”, Nội san tâm thần học, Hà Nội, số 1, trang 24 - 32.
  4. Bùi Tiến Dũng (2005), “ Đặc điểm lâm sàng của hội chứng paranoid ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”, Thông tin chuyên ngành, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II Biên Hoà,  số 45, quý 2/2005, trang 24-31.
  5.  Nguyễn Thị Duyên (2000), “ Tìm hiểu một số nhân tố thúc đẩy tái phát bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid ”, Nội san Tâm thần học, Hà Nội, số 3, trang 39-44.
  6. Nguyễn Bá Hưng (2003), ”Nghiên cứu đặc điểm các hành vi nguy hiểm ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid”, Nội san số đặc biệt chào mừng 40 năm thành lập Bệnh viện Tâm tâm thần Trung ương, Bệnh viên Tâm thần Trung ương-Bộ Y tế, trang 61-64.
  7. Tôn Thất Hưng (2010), “Nghiên cứu dịch tễ và yếu tố tâm lý xã hội liên quan đến các rối loạn tâm thần thường gặp tại  phường Xuân Phú – TP Huế”, Tạp chí Y  học thực hành, Bộ Y tế, số 699+700, trang 304-312.
  8. Bùi Quang Huy (2010), “Đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid”, Tạp chí Y dược học quân sự, số 5/2010, trang 34-38.
  9. Bùi Quang Huy (2009), Tâm thần phân liệt, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  10. Nguyễn Văn Ngân (2004), “ Nhận xét lâm sàng và yếu tố thúc đẩy tái phát bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid”, Thông tin chuyên ngành,  Bệnh viện Tâm thần Trung ương II Biên Hoà,  số 41, quý 2/2004, trang 38-41.
  11. Trần Quyết Thắng (2005), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả xét nghiệm tự kháng thể ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid”, Luận văn Thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Hội.
  12. Tổ chức Y tế thế giới (1992), Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi-Mô tả lâm sàng và các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán, Geneve.
  13. Nguyễn Minh Tuấn (2002), Các rối loạn tâm thần, chẩn đoán và điều trị,  Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  14. Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Viết Thiêm (2005), Đặc điểm ảo giác trong bệnh tâm thần phân liệt”, Chuyên đề Tâm thần học, số 8, tháng 4/ 2005, Nhà xuất bản Y học, trang 99-105.
  15. Nguyễn Việt (1984)Tâm thần học, Nhà xuất bản Y học,  
  16. Trần Đình Xiêm (1995)Tâm thần học, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.
  17. American Psychiatric Association (1996), MINI DSM IV, Critières diagnostiques,(Washington DC, 1994), Traduction française, Masson, Paris.
  18. Berratis S., Gabriel J. (2003), “ Age at onset of schizophrenic disorders”, Schizophrenia Bull, 20(2), pp 287-296.
  19. Harrion G. (2001), “ Association between Schizophrenia and social inequality at birth” Br-J- psychiatry, pp 346-350.
  20. Kaplan H I., Sadock B.J. (1994), “ Schizophrenia”, Comprehensive texbook of psychiatry vol 1, the 5th edition, Williams and Winkins Press, Sydney, pp 699-815.
  21. Kaplan H.I., Sadock B.J. (1994), Synopsis of psychiatry, Lippicott Williams & Wilkins, USA.
  22. Kebicop O.V.(1980), Tâm thần học,  NXB Mir - Matxcơva, NXB Y học Hà Nội.
  23. Michel Reynaud (1991), “Traitement hospitalier et extrahospitalier des schizophrènes”, Le traitement des schizophrènes,  Éditions Frison-Roche, Paris, pp 151-201.
  24. Suslow T. (1997), « Paranoid schizophrenia : nonspecificity of neuropsychological vulneralbility marker », Psychiatry Res, 72(2), pp103-114
  25. Valérie J. (2006),  « Les profils d'évolution de la schizophrénie paranoïde », hhtp://www.oboulo.com/summary?id=19117,09/2006.

Trích nguồn: http://bvtthan.thuathienhue.gov.vn/

Các bài viết khác:
Lịch công tác
Giá
Khám chữa bệnh
Chi hội Tâm thần học
Văn bản chuyên ngành
Tin nội bộ
Sức khỏe đời sống
Đang tải ...
Những biểu hiện và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em

Lượt truy cập: 1032097
 
Đang trực tuyến: 61